Bộ sách giáo khoa dạy Tiếng Việt đầu tiên của nước ta

Tuy ra đời đã một thế kỷ, nhưng "Quốc văn giáo khoa thư" dạy trẻ biết thêm tiếng, hiểu từ, cách đặt câu... vẫn có giá trị tham khảo cho học sinh tiểu học ngày nay.

Cách đây tròn 100 năm (1919 – 2019), nền giáo dục và khoa cử kiểu cũ chính thức suy tàn cùng với kỳ thi Hội cuối cùng được tổ chức. Chữ Hán đã chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình, nhường chữ cho Chữ Quốc ngữ.

Cùng với chữ Quốc ngữ, trong tâm thái xã hội, những hy vọng nhen nhóm về một nền Quốc văn có bản sắc, viết bằng Quốc ngữ cũng ra đời. Sự xuất hiện của Quốc văn giáo khoa thư những năm 20 đầu thế kỉ XX là một minh chứng rõ nét cho việc hiện thực hóa những khát khao và hy vọng ấy.

Quốc văn giáo khoa thư, được coi là bộ sách giáo khoa dạy Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, là sản phẩm của tác thể của các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thuận, những người từng tốt nghiệp trường thông ngôn, có chuyên môn về “ngôn ngữ” theo lối Tây học đương thời.

 

Suốt thời gian qua, công trình này từng được tái bản nhiều lần và bởi cách dạy tiếng Việt có nhiều biến chuyển theo thời gian nên trong nhiều lần tái bản, phần dạy nguyên âm, phụ âm, ghép vần, đặt câu hay bị lược bỏ.

 

Trong lần tái bản mới đây (2019), sách được in lại phần nội dung hay bị lược bỏ đó kèm chú thích: “Dành cho lứa tuổi 6 +”. Việc in lại đầy đủ nội dung ban đầu của sách (trừ một số bài nội dung không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay) không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với đứa con tinh thần của các tác giả mà còn gián tiếp ghi nhận giá trị tham khảo của sách trong việc dạy và học chữ Quốc ngữ đối với học sinh tiểu học.

 

Cho tới nay, điều làm nên sức sống của Quốc văn giáo khoa thư không chỉ ở chỗ đây là một bộ sách giáo khoa dạy chữ quốc ngữ, dạy viết văn theo lối mới, một cách hình dung về hành văn, làm văn khác hẳn với quan niệm văn chương của nhà Nho, của nền giáo dục khoa cử Nho học trước đó. Bộ sách còn là một công trình mà tập thể tác giả đã lồng được biết bao câu chuyện, bài học về phép vệ sinh, đạo đức, luân lý, lịch sử, địa lý... vào trong đó.

 

Người học, người đọc có thể thấy ở đây lời khuyên về cách đọc, cách viết, ngủ sớm dậy sớm, mấy điều cần cho sức khỏe, chớ nhổ bậy bạ, chớ tắm rửa nước bẩn... Nhiều bài học về phép ứng xử, nếp sống cũng được lồng ghép như: giúp đỡ cha mẹ, lễ phép khi ăn uống, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, chọn bạn mà chơi, lễ phép với người tàn tật, kính trọng người già, chớ vội khoe mình, mật ngọt chết ruồi, không nên hành hạ loài vật, không nên báo thù, không nên khinh những nghề lao lực...

 

Quốc văn giáo khoa thư cũng đưa ra những tri thức ban đầu về khoa học, với các hiện tượng như: mây, mưa, gió, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, đường xe lửa... Những cảnh, những vật đặc trưng của làng quê Việt Nam được đưa vào sách như cây tre, chăn trâu, chùa làng, mưa dầm gió bấc...

 

Hệ thống bài học đó khiến công trình không chỉ là một “giáo khoa thư” mà còn như một “bách khoa thư” thu nhỏ dành cho lứa tuổi học trò những năm đầu tiểu học.

 

Khoảng thời gian một trăm năm, đủ dài cho vô số biến thiên, kể cả trong lĩnh vực giáo dục. Biết bao thế hệ sách giáo khoa đã ra đời và biết bao thế hệ học trò đã lớn lên cùng những bộ sách ấy, nhưng dẫu sao Quốc văn giáo khoa thư vẫn là một ký ức đẹp của một, thậm chí là vài thế hệ, trong đó có những người thuộc thế hệ đã góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam.

 

Lượt xem: 340
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN