Trúc Thông người thơ không chịu cũ

Năm 2016 là một năm đầy ý nghĩa với nhà thơ Trúc Thông khi ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Trước đó, năm 2015, tập “Trúc Thông thơ” đã được trao giải thưởng văn học “Thành tựu trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội. Đây là những ghi nhận xứng đáng cho quá trình hơn 40 năm cầm bút của nhà thơ Trúc Thông. Ông đã 76 tuổi, với 6 tập thơ đã in, Trúc Thông là một gương mặt thơ đặc biệt của thi ca đương đại Việt Nam.

Năm nay nhà thơ Trúc Thông đã 76 tuổi, sau một thời gian lâm bệnh nặng, trải qua hai lần bị tai biến mạch máu não trong vòng 8 năm trở lại đây, ông trở nên già yếu, chậm chạp, chân tay run rẩy, đi lại và nói năng thật khó khăn. Mới đây, tôi đến thăm nhà ông ở một con ngõ nhỏ nằm trên phố Cầu Giấy. Nghe tin tôi xuống chơi, Trúc Thông đã ngồi sẵn ở bàn trà tầng một đợi khách với nụ cười lặng lẽ nhưng đầy thân thiết. Nhìn ánh mắt rưng rưng của ông, tôi biết ông nhớ bạn bè lắm, nhớ cái không khí văn chương cởi mở cách đây hơn hai chục năm khi tôi cùng Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Việt, Trần Hùng, Trần Anh Thái… và một số nhà thơ trẻ khác thường tụ tập tại ngôi nhà của ông ở phố Hồng Phúc (Ba Đình) để đàm đạo, tranh luận với nhau về một tập thơ mới, một khuynh hướng mới trong thi ca cách tân.

 

“CON SÓI THƠ” KHÔNG CHỊU GIÀ NUA

 

Thật ra, mỗi người thơ (cứ tạm gọi là có chút tài năng) đều có một tạng thơ riêng, một diễn ngôn thi ca của riêng mình và có lẽ, chẳng ông nảo chịu ảnh hưởng ông nào. Ngay cả khi ngồi với “đàn anh” Trúc Thông (người được coi là một ngọ 7fe4 n cờ phụng sự thi ca như một Tôn giáo) thì cuộc khẩu chiến của mấy đàn em về các trường phái thi ca mới vẫn bừng bừng khí thế. Vậy mà sau hai chục năm, chúng tôi dường như chẳng bao giờ còn gặp lại cái không khí đàm đạo, tranh luận thi ca trẻ trung, hồn nhiên của thời trước nữa.

 

Hôm nay, ngồi trong ngôi nhà thanh vắng của Trúc Thông, tôi cảm nhận được nỗi buồn ấy phảng phất trên gương mặt ông. Bây giờ trông ông hiền lành, dịu dàng, nhẹ nhàng lắm. Không còn như hồi cách đây mấy thập niên, có lần ông cười rất sảng khoái, bảo tôi: “Với mình thi ca là một thứ Tôn giáo đặc biệt, “Con mắt thơ” của mình phải giống như một “con sói”, thấy một tứ thơ mới, một câu thơ mới là phải vồ ngay, phải ngấu nghiến ngay, cậu thấy mình có giống một con sói không?”. Quả thực lúc ấy, tôi cảm thấy Trúc Thông đúng là một “con sói thơ” với vẻ ngạo mạn đáng yêu, đầy dũng mãnh khi ông luôn luôn đứng về phía những nhà thơ trẻ để phát hiện những tố chất thơ mới của những “con sói trẻ” vừa thức giấc trong cánh rừng thi ca đương đại.

 

Còn giờ đây, sau hai chục năm, trên gương mặt mệt mỏi, đau yếu của Trúc Thông chỉ còn đọng lại một nụ cười bao dung và ấm áp. Dường như nụ cười hiền hậu ấy không bao giờ ngưng lặng trên khóe môi ông. Người vợ của ông kể cho tôi nghe những năm tháng thăng trầm, cực nhọc tưởng không vượt qua nổi khi Trúc Thông bị tai biến mạch máu não vào năm 2008, phải nằm cấp cứu mấy tháng liền ở bệnh viện hữu nghị Việt-Xô. Nhưng thật may mắn, ông có một người vợ tận tụy và đảm đang, suốt đời lo lắng, chăm sóc cho chồng, con nhất là giai đoạn ông đang bệnh tật hiểm nghèo.

 

Thời điểm ấy, sau lần Trúc Thông bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất, tôi xuống thăm ông ở xóm bãi An Dương. Ông cười lặng lẽ nhìn tôi, không nói được gì vì di chứng của tai biến làm méo giọng. Nhưng tôi thấy trên gương mặt đau yếu của ông, vẫn ánh lên tia nhìn của một hồn thơ khỏe khoắn, không chịu đầu hàng tuổi già và bệnh tật. Ngồi trò chuyện với Trúc Thông trong gian nhà nhỏ trên xóm bãi ven sông Hồng, tôi bất giác nhớ tới bài thơ lục bát “Bờ sông vẫn gió” viết tặng mẹ nổi tiếng của ông: “Lá ngô lay ở bờ sông/Bờ sông vẫn gió người không thấy về/Xin người hãy trở về quê/Một lần cuối…một lần về cuối thôi/Về thương lại bến sông trôi/Về buồn lại đã một thời tóc xanh/Lệ xin giọt cuối để dành/Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha/Cây cau cũ, giại hiên nhà/Còn nghe gió thoảng sông xa một lần/Con xin ngắn lại đường gần/Một lần…rồi mẹ hãy dần dần đi”. Bài thơ trên của Trúc Thông được giới phê bình văn học coi là một trong những bài thơ lục bát hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại. Khi có người hỏi đùa: “Bài thơ hay nhất của “con sói thơ” tôn sùng thơ cách tân này lại bài thơ viết theo kiểu lục bát truyền thống không hề cách tân chút nào, vậy lý giải sao đây?”, tôi phải đính chính lại ngay: “Công bằng mà nói, thơ Trúc Thông có nhiều bài thơ tự do hay ngang ngửa, thậm chí hay hơn bài thơ lục bát “Bờ sông vẫn gió” như bài “Người ấy chiều giáp tết” với những câu thơ: “Nguyễn Sáng đang buồn/ biết ru ông một điệu gì đây nhỉ/ ru bằng những vai vuông/chân vuôngnhững người lính nông dânông yêu đến khóc ròngchiến hào Điện Biên Phủru bằng cánh tay bồng thiếu nữchống cầmru bằng ánh sáng lạ hơn nướcvà sắc màu giầu hơn một đờiSáng đang đimá phơi gió bấcmũ cũ vải mềm / như một nhân vật trong tranh Van-gốcmọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừaông như thể bên lề hạnh phúc / chén rượu nồng trong ngựcnâng màu lên mà vẽ trần gian...”. Sau khi nghe tôi đọc bài thơ này, người bạn thích bài thơ “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông đồng ý và nói rằng: “Đúng là có lúc mình phải kiểm tra lại giác độ thưởng ngoạn thơ của mình…”.      

 

MỖI BÀI THƠ LÀ MỘT NÉT KIẾN TRÚC MỚI

 

Đến hôm nay, nhà Trúc Thông đã chuyển từ xóm bãi An Dương về Cầu Giấy. Tôi mừng vì thấy nhà cửa gia đình ông đã khang trang, rộng rãi hơn trước, và đặc biệt sức khỏe của ông đã dần hồi phục lại sau lần tai biến thứ hai vào năm 2010. Vợ ông kể lại, lần ấy khi cấp cứu vào viện, bác sĩ điều trị chỉ vào tấm phim chụp não ông với vẻ thất vọng vì có quá nhiều điểm mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến tai biến liệt nửa người. Nhưng rồi với sự chăm sóc đêm ngày của người vợ, dường như số phận lại mỉm cười với Trúc Thông sau 5 năm bị tai biến. Thời gian ấy, vợ ông lo chạy đôn đáo khắp nơi, hết Tây y đến Đông y để tìm cách cứu chữa và ông đã phải uống gần chục hộp thuốc chống đột quỵ “An cung hoàn” của cả Hàn Quốc và Trung Quốc. Đến giờ, ông đã nhúc nhắc đi lại được và nhúc nhắc nói được đôi câu. Tôi thầm nghĩ, “con sói thơ” này thật sự đã không chịu đầu hàng số phận. Và tôi thầm hỏi, có phải vì luôn “động não” tìm đường cách tân thơ, nên dù có bị tắc nghẽn máu não thì các “mạch thi ca” vận động trong não bộ của ông vẫn tìm cách vượt được qua những cơn tai biến này chăng?

 

Trong số các nhà thơ thuộc thế hệ những năm 70-80 của thế kỷ trước, có lẽ đến hôm nay, Trúc Thông là một trong số ít các nhà thơ của thời “cận đại” còn đối thoại được với những tìm tòi - cách tân của các cây bút trẻ ngày hôm nay. Vốn là một nhà thơ từ xưa đến giờ luôn nổi tiếng vì sự khắt khe, đòi hỏi ở chính mình cũng như những người làm thơ khác (nhất là những cây bút trẻ) một nỗ lực mới cho nền thơ đương đại của chúng ta, Trúc Thông và thơ của ông dường như không bao giờ chịu cũ, không khi nào chịu già, không bao giờ chịu dừng lại và thôi tìm tòi, thể nghiệm. Những người viết trẻ thường tìm đến với ông như một tấm gương của sự tận tuỵ phụng sự thi ca như một tôn giáo. Gần gũi với nhau, tôi mới biết, tuy là một người rất khe khắt, đòi hỏi thơ phải luôn mang lại cái mới và không được nhàm cũ, nhưng Trúc Thông không phải là một người giáo điều trong thi ca. Bởi, như ông từng viết: “Trên sự tàn rữa tôi/một câu thơ khôn ngoan đã nở/tôi đi cùng hoang mang gió/mùa thu/ mở cánh cửa cũ/bàn ghế cũ/mở tiếp một trang mới mênh mông/trên trang vở cũ/từ những cũ quen/se sẽ ai ru/ru mê hồn ru đắm đuối/chìm, chìm dần/con tàu thơ bé tẹo/ cờ chỉ còn phơ phất đuôi nheo/đỉnh cột buồm sắp ngập/những nàng Si-ren biển xưa Hy Lạp/ vẫn thâm thù giết những nhà thơ”.

 

Là một nhà thơ kiệm lời, đôi lúc hơi cực đoan, ta thấy ông muốn từng con chữ phải chở được một ý tưởng, một thông tin thơ nào đó đã được mã hóa bằng cảm xúc, bằng ấn tượng như kiểu những câu thơ sau: “Nhà thơ ơi/ dịu dàng ngọn gió/ anh đi qua những bức tường/người ta nhìn rõ bóng anh qua/ ôi áo ngực gày/ máu rỏ vài ba chữ/ và người ta điên cuồng đuổi theo/ tận thẳm cùng bóng tối/ xa, xa mãi/ trăng trắng mười lăm dòng” Rồi: “Ngựa chưa hý lên tiên tri mới/Còn quẩn quanh gậm cỏ hoàng hôn/Thị trấn đã đi qua cơn đói/Những bán buôn vụn vặt/Năm xu /Một hào/ Những gì mất/Sẽ trồi lên/ Cho đến cả mối tình đã chết”. Diện mạo đời sống hàng ngày đi vào thơ Trúc Thông một cách tự nhiên như nó vốn tồn tại, không cần vẽ vời bằng một thứ cảm xúc khác: “Quê hương như ghè rượu/ ta say/Quê hương nhìn bằng mắt các em/ còn trong áo rách”.Hay: “Phận hèn/ cắp thúng/ “bánh mỳ đây…”/ trong đoàn ca dao hoa hậu xưa/ đây là câu bị gạt ra lề/ vì phận thấp”.

 

Tôi cho rằng trong mỗi bài thơ của mình, Trúc Thông đều cố gắng đưa vào một nén kiến trúc mới, hoặc một phát hiện mới, hoặc một ý tưởng mới… khiến chúng ta đôi khi phải làm quen các giác độ “thưởng ngoạn” thơ hiện đại của chính mình. Bởi dường như ở dưới tầng ngôn ngữ, câu chữ hạn hẹp ấy có một dòng chảy đời sống đang nhắc nhở chúng ta về nỗi đau của cuộc chiến tranh khốc liệt đã đi qua và những lo âu, trăn trở trong đời sống con người hôm nay. Thơ của Trúc Thông không phải là thứ thơ để ngâm nga, diệu vợi mà là thứ thơ phải đọc bằng mắt, bằng văn bản, bằng sự trải nghiệm của con người trước nỗi đau: “Các em đã lớn ở Đông Hà/ chắc chắn trong vòng tay hạnh phúc/ ai vừa khen con gái Quảng Trị da trắng tóc dài/ anh nhớ mùa hè 1972/ o giao liên cụt tay dẫn anh đi/ da xạm/ anh nhớ đêm rất đen/ bỗng hở chân trời/tràn đổ lân tinh… rền rền bom nổ/ khi ấy vượt sông Thạch Hãn trở về/ mấy người lính vùi vào giấc ngủ/ rất dịu dàng đằm thắm các em/ nhưng mà anh vẫn nhớ…”. Bài thơ trên như một đoạn phim quay chậm và diện mạo đời sống hàng ngày cứ đi vào thơ ông một cách tự nhiên như nó vốn tồn tại, không cần vẽ vời bằng một thứ cảm xúc khác. Và phải chăng, khi tìm tòi - cách tân đến tận cùng thì thơ đương đại lại trở về với sự giản dị, hàm súc vốn là một trong những giá trị muôn đời của thi ca.

 

Là một nhà thơ trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ, Trúc Thông là một gương mặt thơ khá đặc biệt và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho nền thơ đương đại Việt Nam. Đến hôm nay, ở tuổi 76, sau chặng thời gian “chầm chậm tới mình” ông vừa được Hội đồng xét duyệt quốc gia công bố trao giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2016 và có thể nói, mọi người không lãng quên thi ca ông và sự đóng góp của ông cho nền văn học hiện đại. 

 

Theo Báo Văn nghệ

Lượt xem: 210
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN