Sống lại cánh đồng

Đã lâu rồi tôi không được nhìn thấy cánh đồng cạn trước nhà xanh đến thế, vì suốt nhiều năm nay, cánh đồng bị bỏ hoang không người cày cấy. Đồng cạn, quanh năm thiếu nước nên một hạt lúa vàng phải đổi tới chín giọt mồ hôi. Hệ thống mương máng tưới tiêu không có, ruộng đồng lại nằm trồi hẳn lên cao giáp với khu đồi nên rất khó đưa nước lên nuôi lúa.

 

Mà các cụ ta có câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì đủ biết nước quan trọng thế nào đối với sự phát triển của cây lúa. Nhiều năm khô hạn, ruộng nứt nẻ, lúa héo quắt queo. Mẹ từng khóc khi nhìn ruộng lúa chết đi mà không có cách nào cứu vãn. Người nông dân có bao nhiêu sức lực đều dồn cả vào đồng ruộng. Từ lúc cuốc bờ, cày ruộng, gieo mạ, tỉa lúa, bỏ phân cũng chỉ mong đến mùa thu hoạch được gặt những bông lúa nặng trĩu chín vàng. Nhưng nhiều khi lúa còn chưa kịp trổ đòng, những hạt phân quải xuống còn chưa kịp ngấm thì cây lúa đã héo dần. Một thời gian dài, người nông dân không còn thiết tha với cây lúa nữa, vì đi làm thuê một tháng đong được vài tạ lúa ngon ơ. Bốn năm trước, mẹ tôi từng ngồi nhẩm tính, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí thì chẳng còn được bao nhiêu, có khi còn lỗ. Cả làng tôi lớn lên từ đồng ruộng mà không ngờ lại có ngày chán ruộng. Đến đồng trũng còn bị bỏ không, huống hồ ruộng cạn. Nên lâu lắm tôi không mấy khi ngửi thấy mùi đòng đòng, hay được thấy những con muồm muỗm bay về đậu cong bông lúa.

 

Sống lại cánh đồng
 

Mẹ nói: “Nhanh thật, vừa mới gieo ít ngày mà mạ đã xanh non”. Trong mắt mẹ hiện rõ niềm vui của một người vẫn còn coi đồng ruộng như cuống rốn. Sau nhiều năm, mẹ mới nhìn thấy màu xanh non của lúa thay vì màu xanh của cỏ dại ruộng hoang. Cũng sau nhiều năm dồn sức làm chuồng tr 7fe2 i chăn nuôi lợn, bò thì người dân quê tôi mới lại ủ mạ, ra đồng. Làm ruộng bây giờ nhàn hơn xưa nhiều. Có máy cày bừa, máy gặt, máy vò giải phóng sức lao động của người dân. Tuy tính ra cũng chẳng lãi là bao nhưng lại có gạo sạch để ăn ở cái thời ra chợ mua thứ gì cũng lo hàng giả. Hơn nữa, chăn nuôi đang ở giai đoạn gặp nhiều khó khăn, hết lợn lại đến bò rớt giá. Người trẻ khỏe xin vào các khu công nghiệp làm, người già ở nhà không biết làm gì kiếm sống đành quanh quẩn ruộng vườn. Vì thế mà ruộng đồng thêm một cơ hội được sống lại. Từng thớ đất cày lên còn thơm mùi rơm rạ ủ sâu. Đất đai chưa bao giờ lãng quên cây lúa. Dù có bị bỏ hoang nhiều mùa vụ khô khát chờ đợi từng hạt mưa, từng dấu chân người…

 

Mẹ lại xúc tro trong bếp đóng thành từng tải cất đi. Chiều tối, bố lại đi quanh ruộng xem chuột bọ thế nào. Mọi người còn bảo nhau đắp đập giữ nước. Dây bơm được nối dài để sẵn sàng bơm nước từ đồng sâu lên đồng cạn. Các bà, các mẹ gặp nhau lại hỏi chuyện tỉa lúa vụ xuân, ruộng nào dặm nhiều, ruộng nào dặm ít? Có khi tối mịt còn có người gọi cổng hỏi xin mạ thừa, hỏi mượn máy bơm, nhờ sửa bình phun thuốc. Đất ruộng sau nhiều năm khô hạn bỏ hoang mà khi gặp hạt mầm vẫn bao dung nuôi dưỡng. Chim chiền chiện kéo về từng đàn hót cùng mây trắng. Những con bù nhìn làm bằng nilon, vải vụn bay phất phơ trước gió. Mẹ ngồi ở hiên bếp nhìn ra cánh đồng trước nhà, tai vẫn chú ý lắng nghe chương trình dự báo thời tiết để kịp bón phân cho lúa. Gót chân của mẹ còn bám đầy bùn…

 

Tôi nhìn cánh đồng mạ xanh mơn mởn mường tượng ra mùa thu hoạch trĩu bông. Những mẻ cốm dẻo thơm, những thân quen trỗi dậy. Lúc chuẩn bị đi xa, mẹ hẹn tôi về vào mùa cơm mới…

 

Theo QĐND

Lượt xem: 228
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN