Đôi điều về bài thơ Ngôn hoài

Ngoài Ngư nhàn, Không Lộ Thiền Sư còn để lại cho đời một bài thơ trứ danh khác đó là Ngôn hoài (Tỏ lòng). Thật lạ là bài thơ thiền này được nhiều người hiểu và giảng như một tác phẩm của thế tục! Điều đó cần phải được xem lại một cách hết sức thận trọng.

 

Đôi điều về bài thơ Ngôn hoài

 

Trạch đắc long xà địa khả cư

 

Dã tình chung nhật lạc vô dư

 

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh

 

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

 

(Kiểu đất long xà chọn được nơi/ Tình quê lai láng suốt ngày vui/ Có khi lên thẳng trên đỉnh núi/ Một tiếng kêu vang lạnh cả trời)

 

Trong “Thơ văn Lý Trần” do Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn và giới thiệu đã giảng về bài thơ này như sau: “Trước hết câu mở đầu thể hiện tâm trạng hài lòng, thanh thản của nhà thơ vì theo quan niệm phong thủy của người xưa. Giữa hai câu trên và hai câu dưới có sự chuyển biến thật đột ngột bởi một hình tượng thơ độc đáo kỳ lạ: đang niềm vui trần thế lên đỉnh núi cao trơ trọi, kêu một tiếng vang trời. Ở đây con người hiện ra với sự chủ động, dứt khoát, với một khí phách mạnh mẽ, hào hùng: đã trèo là trèo một mạch “trèo thẳng lên”! Không chút do dự rụt rè, đã lên là lên thật cao tận đỉnh núi chứ không lưng chừng, đã kêu thì không cần nhiều, chỉ “một tiếng kêu vang” mà làm cho cả vũ trụ bao la phải kinh ngạc đến ớn lạnh, rùng mình…

 

Với bấy nhiêu điều đó cũng đủ biết cái cảm hứng vũ trụ, cái tư thế, cái khát vọng vươn tới đất trời bao la của nhà sư kiêm nhà thơ này mãnh liệt đến đâu, bên cạnh niềm vui trần thế mà ông đã có”. C&aa 7fe0 cute;ch giảng và hiểu này mới nhìn có vẻ có lý, nhưng kỳ thực là một cách hiểu quá khuôn sáo và không thích đáng. Nếu dời sư Không Lộ xuống sống vào thời Trần hay thời Lê khi mà Nho học thịnh hành thì có lẽ được, hoặc giả là cho sư Không Lộ đang hoàn tục! Còn đằng này Không Lộ là nhà sư chân tu của thời Lý, Phật giáo đang thịnh, nên áp đặt cách hiểu như thế là quá vô lý. Thực ra bài thơ này không có tựa, Ngôn hoàichỉ là người đời sau thêm vào mà thôi. Nên cũng không có chuyện tỏ lòng hay tỏ ý chí gì cả.

 

Sách “Thiền uyển tập anh” ghi chép một cách khá cụ thể về bài thơ này: “Trong khoảng Chương Thánh Gia Khánh (1059 - 1065) cùng bạn là Giác Hải cất bước vân du, tạm đến chùa Hà Trạch nương thân, mặc áo cỏ, ăn lá cây, đến nỗi quên chính thân mình. Ngoài dứt ruổi dong, trong tu thiền định, tâm thần tai mắt ngày một nhẹ nhàng, bèn bay lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống, muôn quái nghìn kỳ, người không lường nổi. Sau sư về quận mình lập chùa. Một hôm có thị giả thưa rằng: Từ ngày con đến đây chưa được thầy dạy chỗ tâm yếu, nhưng con mạn phép xin trình một bài kệ:

 

Đoàn luyện thân tâm thủy đắc thanh

 

Sum sum trực cán đối hư linh

 

Hữu thân lai vấn không không pháp

 

Thân tại bình biên ảnh tập hình

 

(Rèn luyện thân tâm tựa nước thanh/ Sân thênh cổ thụ tỏa sum cành/ Có người thỉnh giáo tâm pháp Phật/ Lưng dựa bình phong bóng tựa hình)

 

Sư xem xong bảo: Ngươi đem kinh đến, ta vì ngươi nhận, ngươi mang nước đến ta vì ngươi uống, thì có chỗ nào mà lại không cho ngươi tâm yếu!

 

Bèn cất tiếng cười ha hả. Và đọc bài kệ trên (Ngôn hoài)”.

 

Qua “Thiền uyển tập anh” ta thấy Ngôn hoài thực chất là một bài kệ trả lời và truyền tâm yếu cho đệ tử chứ hoàn toàn không phải là một bài thơ trữ tình. Bài kệ là một chuỗi ẩn dụ, ám thị về một triết lý thiền hết sức uyên áo thâm thúy mà nhà sư muốn truyền cho đệ tử của mình.

 

Một số tác giả cho rằng, theo thuyết phong thủy xưa, long xà là nơi có mạch đất uốn lượn như rồng rắn. Làm nhà trên mạch đất đó sẽ thịnh vượng. Đó chỉ là một cách hiểu. Nhưng nhà sư có xây cất nhà đâu, sư cần sự thịnh vượng giàu có để làm gì? Sư đang khai thị cho đệ tử kia mà! Thực ra “long xà địa” Từ nguyên cho biết là đất có thể dung thân, sau làm nơi ở ẩn. Vậy ba chữ đất long xà chẳng qua là chọn nơi thanh vắng thích hợp để tu tập đạo học. Vì có tu thì mới có đắc đạo! Hai chữ “dã tình” phải hiểu là để cái tình vào nơi thanh tịnh, tức là tâm không bị ngoại vật tác động cho xáo trộn, có như thế thì mới “lạc đạo” được. Hai câu thơ đầu nhìn bề ngoại có vẻ vui thú điền viên, nhưng kỳ thực lại là hàm ẩn một vấn đề khác - vấn đề chọn nơi thích hợp để thân tâm thanh tịnh, tu Phật.

 

Câu thứ ba chuyển hướng kỳ lạ. Đang vui tại sao trèo lên đỉnh núi trơ trọi để làm gì? Đó chính là thời khắc đốn ngộ của người tu đắc đạo. Đốn ngộ chẳng qua là trạng thái thể nghiệm tâm linh của một cá nhân một khi tâm linh đó được giải thoát.

 

Theo tác giả Từ Kiến Trung thì “người đốn ngộ không chinh phục gì, không đi đâu cả, mà chỉ nhờ trực giác để ở được vào một cõi khác hẳn trần tục, hòa nhập vào cái bản ngã vũ trụ”. Cụm từ “lên thẳng” và “đỉnh núi trơ trọi” tách ra ta sẽ thấy rõ hơn về vấn đề này. Lên thẳng là thời khắc chớp nhoáng - như một sát na - Đỉnh trơ trọi là thế giới Không Vô. Một người mà đứng trên đỉnh núi thì không còn sau trước nữa. Đó là thế giới của bốn bề vắng lặng, cô tịch mà người đốn ngộ đã đạt đến. Và nhà nghiên cứ phê bình văn học Trần Đình Sử cũng cho rằng: “Cõi ấy là một tâm trạng yên lặng, xuất thế, ly khai với mọi biến động của thế gian, hiện tượng, không trước không sau, không đông tây nam bắc gì nữa”.

 

Ở câu thơ cuối lại xuất hiện “hàn thái hư”, một số tác giả giải thích là “lạnh cả trời - làm cho cả vũ trụ phải rùng mình ớn lạnh”. Dịch như thế là chưa chính xác. Vì “thái hư” không phải là bầu trời, mà cõi thái hư là một thế giới của nhà Phật, thế giới ấy chỉ có người đạt đạo mới đến được. Vấn đề này nhắc lại chuyện Lý Tường (Lý Cao) nghe tiếng cười của sư Duy Nghiễm trên đỉnh núi.

 

Tuyển đắc u cư hiệp dã tình

 

Chung niên vô tống diệc vô nghinh

 

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh

 

Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh.

 

(Chọn nơi vắng vẻ hợp lòng quê/ Năm trọn không ai đến hay về/ Có khi lên thẳng trên đỉnh núi/ Rẽ mây dưới nguyệt tiếng cười hề)

 

Vậy “một tiếng kêu làm lạnh cả cõi thái hư”, đó cũng như chuyện bay lên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ… (có tính chất của Mật Tông trong Phật giáo). Là trạng thái hòa nhập giữa Ta và Thế giới, giữa Thế giới và Ta, ta và vật đã hòa đồng làm một không còn cái tâm phân biệt nữa.

 

Ngôn hoài là một bài thơ thiền không nói về thế giới thực tại, mà mượn những hình ảnh của thực tại để ám thị khai ngộ: chọn nơi thích hợp vắng vẻ để tu tập, từ đó sẽ an tâm với đạo, rồi có lúc sẽ được đốn ngộ, ta và vật sẽ hòa đồng không còn vướng mắc nữa. Đó là chỗ thầy dạy tâm yếu cho đệ tử… Thơ thiền phải đứng trên góc độ của thiền mà giảng thì mới phù hợp. Không thể lấy cái tư tưởng trần tục để giải thích nó. Người học thơ thiền không phải cầu đắc đạo mà là giúp ta tiếp xúc với những giấc mơ giải thoát - thoát ra khỏi biển khổ của thế gian để tâm hồn được thanh thản trong trẻo, giải trừ ác nghiệp.

 

Theo GD&TĐ

Lượt xem: 219
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN