Nhớ nhà văn Sơn Nam

  Cách đây tròn 10 năm nhà văn Sơn Nam đã vĩnh biệt cõi đời, nhưng phong cách làm việc, tinh thần văn hóa của ông qua hàng ngàn trang sách vẫn còn mãi với thời gian…  

 

1. Cầm tinh con cọp, sinh ngày 11-12 năm Bính Dần 1926, nhà văn Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tài, nhưng do cán bộ hộ tịch viết sai chữ “I” thành “Y” nên giấy khai sinh đề tên Phạm Minh Tày. Sớm tham gia cách mạng, ông là bạn chiến đấu của ông Võ Văn Kiệt và nhiều nhà lãnh đạo trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. 

 

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, nhà văn Sơn Nam không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam hoạt động văn hóa, báo chí, khảo cứu, sáng tác cho ra đời mấy mươi tác phẩm quan trọng về đất và người phương Nam từ thời khẩn hoang, trong đó dấu ấn sâu đậm đầu tiên là tập truyện Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1962, kế đến là các tác phẩm Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Vọc nước giỡn trăng, Nói về miền Nam, Vạch một chân trời, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Đất Gia Định xưa, Cá tính miền Nam…

 

Sinh thời nhà văn Sơn Nam chuyên cuốc bộ. Một lần tôi chở ông lên thăm địa đạo Phú Thọ Hòa ở quận Tân Phú và những di tích quanh vùng. Nhà văn Sơn Nam ngồi sau xe không bao giờ ngớt chuyện. Chở ông đi, đường dù xa mấy cũng ngắn lại. Ông nói chậm rãi mà có duyên và sâu sắc, thỉnh thoảng còn pha trò. Mặc dù tôi là người rất mê lịch sử, nhưng khi nghe những gì ông kể về vùng đất tôi đang ở thì tôi mù tịt và giật mình về sự thiếu hiểu biết của mình, lại càng khâm phục cái trí nhớ hiếm có của bậc trưởng lão làng văn Sài Gòn và Nam bộ. 

 

Phú Thọ Hòa là địa đạo đầu tiên của Sài Gòn và Nam bộ, được đào từ năm 1947 thời chống Pháp, xung quanh là một vùng cây cối rậm rạp có địa thế hiểm yếu về quân sự. Nhà văn Sơn Nam hỏi tôi biết ai là những người đầu tiên có sáng kiến đào địa đạo dài 700m này không? Chuyện này thì tôi biết. Đó là Trung tướng Lê Thanh, Đại tá Lâm Quốc Đăng và ông Nguyễn Văn Tiểng lúc ấy giữ chức Bí thư Chi bộ xã Phú Thọ Hò 7fe8 a.

 

Nhưng người đầu tiên và trực tiếp chỉ huy đào địa đạo này là Chi đội trưởng 12 Nguyễn Thượt, tức Lâm Quốc Đăng, cái tên xuất phát từ biệt danh “Thần đèn rừng” nổi tiếng thời đánh Mỹ. Nhà văn Sơn Nam lại hỏi có biết ai là người quan tâm, đề nghị phục hồi địa đạo để được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia. Chuyện này tôi chịu. Bậc tiền bối giương mắt kính cười bảo: “Ông Nguyễn Văn Linh đó”.

 

Rời địa đạo Phú Thọ Hòa, nhà văn Sơn Nam bảo tôi cùng ông sang viếng mộ cổ của người giàu hàng đầu Sài Gòn là bá hộ Xường nằm đối diện phía bên kia đường. Dân gian đất phương Nam đầu thế kỷ 20 có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Sỹ tức Huyện Sỹ, tên thật Lê Phát Đạt, ông ngoại Hoàng hậu Nam Phương. Phương là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một tay sai khét tiếng của thực dân Pháp. Hỏa là chú Hỏa, tên thật Hứa Bổn Hòa, đại gia bất động sản số 1 Sài Gòn gắn liền giai thoại “Con ma nhà họ Hứa”. Còn Xường chính là bá hộ Xường, tên thật Lý Tường Quán, đại điền chủ và thương gia gốc Hoa, giàu lên nhờ kinh doanh thịt cá xuất khẩu và xây nhà cho thuê ở Chợ Lớn. Nhưng sau khi ông qua đời thì tài sản kếch xù đã bị con cháu tiêu pha hết sạch. Nhà văn Sơn Nam bảo với tôi, sống ở đời đừng nghĩ làm giàu để gia sản lại cho con cháu, bài học của bá hộ Xường đáng để ta soi vào. May mà còn khu mộ cổ được xây cất chắc chắn này nên người ta mới nhớ đến bá hộ Xường. Dù không hoành tráng nhưng đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ thuộc loại quý hiếm còn sót lại của Sài Gòn.

 

Nhớ  nhà văn Sơn Nam ảnh 1

 

2. Giống như khi tôi “tháp tùng” ông lần đầu ra Hà Nội và lên Đền Hùng đất Tổ, đến đâu nhà văn Sơn Nam cũng săm soi rất kỹ từng hòn đá, cục gạch, cái cây, hoa văn. Nhìn gương mặt ông tươi tỉnh, thỉnh thoảng giương giương mục kỉnh nhìn cái gì đó, tôi biết ông mãn nguyện. Tôi tiếp tục chở “bố già” ra cái quán quen thuộc trên đường Địa Đạo. Ông nói vùng này vẫn còn vẻ đẹp tương đối hoang sơ, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ hơn mười năm nữa sợ nhiều thứ sẽ mất đi.

 

Mới uống vài miếng nước chanh, bố Sơn Nam chợt đứng phắt dậy đi đi lại lại, ngắm nghía con đường Địa Đạo phủ xanh bóng mát cây bàng 2 bên. Trở vào quán bố Sơn Nam hỏi tôi có biết đường Địa Đạo ngày xưa là cái gì không. Tôi cười nhìn ông với vẻ cam chịu. Ông ngồi xuống với dáng vẻ quan trọng: “Hoa Phong cổ lũy thời nhà Nguyễn đấy”. 

 

Theo khảo cứu của Sơn Nam, trước khi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh mở cuộc hành quân bình định vùng biên giới Tây Nam năm 1700, đã cho thuộc tướng là lão Cầm đốc suất quân lính xây lũy Hoa Phong ở Sài Gòn. Trong sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức ca ngợi lũy Hoa Phong là một trong 20 thắng cảnh của đất Gia Định: “Lâm ngoại Hoa Phong thuỷ ngoại thôn/ Tướng quân tiền khứ, thủy do tồn”.

 

Sau đó nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan đã dịch thoát thành 4 câu lục bát: “Ngoài rừng có lũy Hoa Phong/ Có dòng nước nhỏ lượn quanh xóm làng/ Tướng quân xưa đã không còn/ Mà nền đất cũ chưa mòn chiến công”. Tướng quân xưa chính là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bậc tiền hiền có công lớn trong việc tạo lập vùng đất Sài Gòn - Nam Bộ.

 

Trong sách Ấn tượng 300 năm, nhà văn Sơn Nam còn cho biết thêm: “Đại Nam nhất thống chí ghi lũy Hoa Phong dài phỏng định 6km (1.187 trượng). Sau này, lũy được nối thêm với lũy Tây Hoa. Năm 1731, người Lào là Sa Tốt cầm đầu một nhóm người Chân Lạp tràn đến Bến Lức (Long An), kéo qua Vườn Trầu (Hóc Môn), may nhờ Trần Đại Định (con của Trần Thắng Tài, Biên Hòa) chận được, đắp thêm lũy (Tây Hoa).

 

Lực lượng của chúa Nguyễn kéo đến, phá tan giặc. Lão Cầm là thuộc tướng của Nguyễn Hữu Cảnh chăm sóc việc đắp lũy Hoa Phong, có lẽ là viên chức cỡ nhỏ. Lúc đi tham quan di tích chống Pháp chống Mỹ do quận Tân Bình tổ chức, nhìn vào vách văn phòng phường 19 (vào năm 1984) tình cờ thấy trên bản đồ ghi “lũy ông Dầm”. Do đó tôi suy luận ông Dầm là lão Cầm nói trại ra, vì sợ húy kỵ”.

 

Quan sát tinh tế, tỉ mỉ và suy luận có cơ sở khoa học, đó là phong cách của nhà văn hóa Sơn Nam, không chỉ riêng ở di tích Hoa Phong cổ lũy mà toàn bộ những khảo cứu về lịch sử, văn hóa của ông về Sài Gòn và Nam bộ. Phong cách ấy của bậc tiền bối cũng để lại trong tôi bài học quý giá trên bước đường chữ nghĩa. Và không chỉ trong công việc mà đối với những người ông yêu mến cũng vậy.

 

Trong đời mình, Sơn Nam có nhiều mối tình, nhiều vợ, nhưng tôi chỉ được biết sơ qua mối tình cuối của ông, đó là một phụ nữ nghèo bán bia, nhỏ hơn ông khoảng 30 tuổi. 2 người tình cờ gặp nhau, yêu nhau và thuê nhà chung sống với nhau ở gần chợ Gò Vấp. Tình muộn nhưng thật đẹp, dù cuộc sống rất khó khăn, chủ yếu nhờ nhuận bút của ông. Ông yêu quý bà, bà cũng hết mực thương yêu, chăm sóc ông những năm tháng cuối đời, cho tới khi ông vĩnh biệt cõi trần người phụ nữ này cũng âm thầm biến mất. Chẳng biết bây giờ bà sống như thế nào, nhưng tôi tin từ nơi yên nghỉ vĩnh hằng ở Bình Dương ông vẫn nhớ bà khôn nguôi.

 

Một người nghĩa tình như Sơn Nam không quên bất cứ ai và bất cứ mảnh đất nào ông từng gắn bó, cũng như Sài Gòn - Nam bộ mãi mãi sẽ lưu dấu về ông. Hơn nửa thế kỷ kể từ chuyến xe đò rời mảnh đất quê hương miệt vườn thân thuộc cuối trời Tổ quốc lên Sài Gòn đô hội xa lạ, ông đã hóa thân vào cát bụi để lại bao niềm thương tiếc khôn nguôi về hình ảnh đáng kính của “Ông già đi bộ”, “Ông già Nam bộ”, “Ông già Ba Tri”… và pho từ điển sống của lịch sử văn hóa Sài Gòn - Nam bộ.

 

Theo ĐTTCO

Lượt xem: 218
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN