Kẻ sỹ thì Cười

Hầu như ngày nào tôi cũng "gặp" bà mẹ U50 có đàn con lít nhít  - Ngô Hương Sen trên "fây". Mà trên "tường" nhà  chị, hình ảnh 4 mẹ con xúng xính áo dài, áo ngắn, váy hoa, váy hồng...  tràn ngập. Mỗi lần ngắm "gia tài" của chị, chẳng bao giờ tôi quên ấn nút like cả.

 

Tết ra, vô tình gặp chị ở quán café, tôi "sấn sổ" đòi, "sách của em đâu?". Thế là chị nhà báo mang tên loài hoa mà chỉ nhắc đến đã cảm thấy thơm ngát rồi lấy ra từ trong túi một cuốn rồi cắm cúi đề tặng. Tối về, tôi mải miết đọc "Kẻ sỹ thì cười" và thầm nghĩ, với "gia tài" này, chẳng có cớ gì để không nhấn nút like cho Ngô Hương Sen cả.

 

1."Kẻ sỹ thì cười" là tập hợp các bài viết chân dung của nhà báo Ngô Hương Sen trong chục năm qua, đã đăng trên các ấn phẩm báo chí mà chủ yếu là An ninh thế giới Giữa tháng, Cuối tháng; Nhân dân hằng tháng, Tinh hoa Việt...

 

Khoan nói về nội dung, bởi khi cầm trên tay cuốn sách, tôi rất ấn tượng với cái bìa. Cách trình bày bìa mà sao giản đơn mà ấn tượng thế không biết. Trên nền xám rêu nổi vân là 4 từ: "kẻ", "sỹ", "thì", "cười" được thể hiện bằng các màu mực xanh, đen, đỏ, tím, vàng… với lối viết/vẽ cách điệu yêu vô cùng. Nhìn cái bìa này, tôi thầm thán phục tác giả bìa, bởi đó là cách trình bày rất bình dị mà sâu thăm thẳm.

 
Nhà báo Ngô Hương Sen cùng các con.

 

Sau này, khi khám phá nội dung "Kẻ sỹ thì cười", tôi lại thầm nghĩ, liệu có nhân vật nào trong các bài viết vẽ cái bìa sách này không nhỉ? Bởi, ngay ở phần đầu sách là cả chục chân dung họa sỹ. Chị k 7fe8 hắc họa chân dung các họa sỹ rất tài tình. Thủ pháp đặc tả được chị sử dụng rất có nghề. Thế nên, dù đương nhiên mỗi chân dung phải có nét riêng nhưng vẫn còn có cả  "nhận dạng" dễ nhớ.

 

Họa sỹ Đặng Xuân Hòa qua ngòi bút của Ngô Hương Sen là "Thủ lĩnh Đặng Xuân Hòa" với "vóc dáng gầy gò, khuôn mặt được so sánh hao hao Bùi Xuân Phái hoặc phảng phất cái nội tâm khốc liệt Van Gogh". Con người trong đời sống và trong hội họa của Đặng Xuân Hòa được chị phản ánh bằng ngôn từ rất dung dị. Nó giúp người đọc có thêm thông tin về người họa sỹ thủ lĩnh của nhóm họa sỹ trẻ "The gang of five" nổi tiếng ở Hà Nội cách đây gần 30 năm với những cái tên: Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Phạm Quang Vinh.

 

Đó vẫn cứ là một Đặng Xuân Hòa đang dành rất nhiều thời gian và công sức trong xưởng vẽ, không ngừng sáng tạo trong nghệ thuật. Và điều đặc biệt, cho đến hôm nay, người họa sỹ này luôn là "một trụ cột tinh thần rất cần trong đời sống nghệ thuật vốn nhiều nguy cơ, thách thức, và đôi khi còn để kích lên những mạo hiểm để động viên, thúc ép những người đang băn khoăn trước ngưỡng cửa khôn cùng của nghệ thuật".

 

Ngô Hương Sen rất yêu các họa sỹ thì phải. Bởi, trong "Kẻ sỹ thì cười", chân dung các hoạt sỹ chiếm tỷ lệ khá lớn. Đọc bài viết về họ, tôi cảm nhận được rằng, không chỉ yêu thôi mà chị còn có những am tường về hội họa. Có lẽ vì thế mà khi khắc họa chân dung người họa sỹ bằng câu chữ, chị còn cung cấp cho người đọc những thông tin về lĩnh vực vốn khắt khe trong việc chọn công chúng này.

 

Chẳng thế mà, khi viết về họa sỹ Lê Quảng Hà, chị tả lại lần đi xem tranh của anh ở L'Espace cách đây hơn chục năm rằng, "Hà lúc ấy, đang yên đang lành luồn cái ống nội soi có gắn camera nhỏ xíu vào tận sâu tâm khảm con người, lôi hết mề gan ruột, phần luôn bị đậy che giấu vốn được khảo lấp bởi những "hình dong chải chuốt áo khăn rộn ràng" để phơi ra trước bàn dân thiên hạ khiến không ít kẻ rùng mình giật thột…". Với cách miêu tả này, chị đã giúp người đọc có những hình dung đầy hình ảnh sống động về cuộc trưng bày tranh đầy mới mẻ, khám phá và thú vị.

 

Viết về họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm, chị vào đề bằng những câu quan họ: "Anh còn son, em vẫn còn son. Ước gì ta được làm con một nhà…". Đây là cách rất khéo để giới thiệu về người họa sỹ tài hoa nguyên quán xứ Kinh Bắc. Mà nào chỉ thấm đẫm chất quan họ, người họa sỹ này còn có thể hát chèo, chơi piano, hát nhạc Trịnh nữa. Nếu không hiểu về nhân vật, sẽ rất khó để giới thiệu về con người của họ như cách Ngô Hương Sen làm.

 

Cũng là bài viết về họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm, nhưng lại là bài viết khi ông vừa mới qua đời, Ngô Hương Sen không đi theo kiểu viết … điếu văn với những lời lẽ ai điếu và bảng liệt kê thành tích. Mà chị, vẫn lối viết tình cảm, nhấn nhá đã tạo thêm những nét vẽ về người họa sỹ có cá tính kỳ lạ, một số phận khu biệt, từ giã cõi đời ở tuổi 53...

 

2. Đọc "Kẻ sỹ thì cười", trong gần 40 chục cái chân dung, tôi thấy phần lớn đều có tuổi đời đáng tuổi chú, tuổi bác của tác giả, còn trẻ hơn thì cũng đáng tuổi anh. Người trẻ (ít nhất là trẻ tuổi hơn chị) lọt vào cuốn sách này hơi bị … ít. Thế nên, tôi đọc rất kỹ những bài này. Bởi, tôi muốn biết, với một nhà báo thuộc thế hệ 7X đời đầu như chị, chị có cái nhìn như thế nào về những người ít tuổi hơn mình đang hoạt động trong lĩnh vực hội họa, báo chí, văn học...

 
Tác phẩm vừa xuất bản của Ngô Hương Sen.

 

Họa sỹ Lý Trần Quỳnh Trang là nhân vật 8X hiếm hoi trong sách của chị. Cô họa sỹ trẻ, cá tính được chị khắc họa bắt đầu từ vẻ bề ngoài. Đó là mái tóc dài, kính gọng đen to bản, son thâm Hàn Quốc. Cách giới thiệu về nhân vật của chị rất chi … đàn bà. Đàn bà, trước khi ra đường là phải chăm chút đầu tóc, quần áo, giày dép… rất chi mất thời gian và phức tạp !.

 

Đâu chỉ chỉ để ý đến những món "phụ kiện" của mình, mà họ còn "săm soi" sang cả của người cùng giới khác nữa. Thế nhưng, Ngô Hương Sen không chỉ giới thiệu về nhân vật của mình đơn giản vậy, mà chị còn chấm phá thêm "thuốc lá kẹp trên tay, ly café nguội ngắt" để phác thảo chân dung bề ngoài của nữ họa sỹ trẻ Quỳnh Trang. Bấy nhiêu câu chữ chỉ dùng đủ để thấy, họa sỹ Lý Trần Quỳnh Trang không dễ lẫn và không thể nào lẫn trong bất cứ đám đông nào.

 

Viết về nhà báo Phùng Nguyên, chị giật tít: "Tự nguyện "đứng về phe nước mắt". Đọc tít này, tôi bật cười nhớ về cái thời bọn 7X đời chót chúng tôi ở tuổi ô mai, lúc nào cũng sốt xình  xịch với "Hoa học trò", "Áo trắng"… Mà hồi đó, danh xưng của phái nữ trên các ấn phẩm tuổi teen toàn được gọi là phe áo dài. Nay, chị viết về chân dung một nhà báo nam, quê xứ Nghệ - Người rất nặng lòng với những thân phận qua từng trang viết và đã bảo anh là: "Tự nguyện "đứng về phe nước mắt". Đọc bài của chị, tôi thấy cách đặt vấn đề, cách nhìn, cách đặt tít đúng là "chuẩn không cần chỉnh".

 

Qua bài viết của mình, chị khéo léo giới thiệu đến người đọc: Tập phóng sự, "Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi"; đến tiểu thuyết "Thành khố không có cầu vồng" được giải " Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an tổ chức 5 năm một lần của Phùng Nguyên. Lê Thị Đức Hạnh - Một nhân vật trong một bài báo của Phùng Nguyên được chị nhắc đến là người phụ nữ đức hạnh như đúng cái tên khai sinh của mình.

 

Ngô Hương Sen nhắc đến chị Đức Hạnh - Người trong câu chuyện bố chồng viết đơn xin hiến xác cậu con trai chết não nhiều năm liền vì muốn "giải phóng" con dâu khỏi những "giam cầm" khổ ải nhưng cô không chấp nhận như để chứng minh, phải là người tự nguyện "đứng về phe nước mắt", Phùng Nguyên mới thấu được người phụ nữ đặc biệt này để có những trang viết thấm đẫm tình yêu thương.

 

Trong sách của mình, Ngô Hương Sen ưu ái dành cho Vi Thùy Linh 2 bài. Đó là: "Độc bản Linh" và "Hộ chiếu của Linh". Bấy lâu, Vi Thùy Linh vốn nổi trên văn đàn vì lạ. Chính vì lạ, nên Vi Thùy Linh cũng có nhiều cái … khác người. Chị đã nhìn Linh bằng cái nhìn đầy công tâm khi giới thiệu không gian nghệ thuật trong đêm "Hộ chiếu tâm hồn" của cô. Rồi chị còn khéo léo giới thiệu, "tin đâu như sét đánh\ ngang, Thùy Linh thi sỹ chuyển sang lấy chồng". Biết rằng cái điều hiển nhiên, "gái lớn ai không phải lấy chồng", nhưng việc Vi Thùy Linh lấy chồng thì khác. Phải rất phụ nữ, Ngô Hương Sen mới giới thiệu về tin vui này như vậy.

 

3. Viết đến đây, "cạn từ", tôi vào facebook Hương Sen Ngô của chị thì thấy "tút" mới tinh kêu cứu với đại ý: Con gái lớn (lớp 1) đòi ngày mai mẹ mặc váy công chúa, đi giày cao gót cho em, để em được bạn trai tên Hùng tặng hoa. Con trai lớn (lớp 1) đòi mẹ mua giầy cao gót màu hồng kim cương để tặng bạn gái. Con gái bé (mầm non) thì hỏi, ngày 8/3, con trai tặng quà cho con gái. Vậy ngày nào là ngày của con trai?!

 

Đấy! Trên "tường" nhà chị lúc nào cũng vui thế, ai mà từ chối bấm nút like được cơ chứ. Mà cũng lạ, suốt ngày là tổng đài 1080, là quan tòa, là ma ma tổng quản của một đàn con thơ và cũng tự nhận mình "10 hoa tay, thêm hoa chân, nhưng đoảng, đần, điên…" như Ngô Hương Sen mà vẫn gom nhặt, nhả chữ, chuốt câu để dựng nên những chân dung các văn nghệ sỹ hoạt động trong đủ các lĩnh vực cầm, kỳ, thi, họa, kể cũng …siêu nhân thật !!!.

 

Theo VNCA

Lượt xem: 215
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN