SÁCH HOT
Không có sản phẩm nào

Người thích… cãi!

Để hiểu lịch sử của một đất nước không thể không đề cập đến lịch sử của từng địa phương. Chính những trang sử của từng địa phương sẽ khắc họa, bổ sung cho diện mạo lịch sử của một đất nước. 

Chân dung Nguyễn Văn Xuân trên bìa một cuốn sách nhiều tác giả viết về ông

Chân dung Nguyễn Văn Xuân trên bìa một cuốn sách nhiều tác giả viết về ông

 

Những ai đã ý thức được điều này và dám dành trọn một đời để khám phá lịch sử của vùng đất mà mình đang sống? Số người đó là rất ít, và có lẽ phải kể đến trước tiên tên tuổi nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân.

 

Chọn nghề viết sử địa phương

 

Nguyễn Văn Xuân cho biết là sau Hiệp định Genève 1954, khi hồi cư về Đà Nẵng có người mời ông vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp nhưng ông từ chối vì đã đặt cho mình nhiệm vụ phải viết sử của địa phương mình.

 

Ông sinh năm 1921 tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Điện Phương là nơi hình thành nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng - phải chăng điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy nghiên cứu nghiêm túc và phong cách tiếp cận vấn đề rất tài tử của ông?

 

Khi nói ông có phong cách tiếp cận vấn đề đầy tính ngẫu hứng và tài tử thì có lẽ nhiều người không đồng ý vì điều đó có vẻ khá xa lạ với bản chất của một nhà nghiên cứu.

 

Nhưng thật ra, đó mới là bản lĩnh độc đáo của Nguyễn Văn Xuân, vì trước khi trở thành nhà nghiên cứu thì ông đã là nhà văn. Điều này cũng tương tự như Sơn Nam ở Nam Bộ.

 

Ít ai biết rằng, từ trước năm 1945 ông đã có những truyện ngắn được in trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội. Trong đó, với giọng văn 7fe8 đặc sệt ngôn ngữ Quảng Nam, ông đã tạo nên bối cảnh và nhân vật như mới từ vùng đất “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” bước thong dong vào trang văn để lôi cuốn người đọc.

 

Vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn học sử đã xếp ông vào thế hệ nhà văn vào nghề từ thập niên 1940.

 

Sống tại miền Nam trong vùng địch tạm chiếm, ông vẫn tiếp tục sáng tác.

 

Nhưng ý hướng của một người từng sống trong vùng kháng chiến, từng hoạt động ở liên khu V cùng với nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, nhà thơ Trinh Đường..., từng viết kịch phục vụ phong trào cứu quốc... đã khiến các tác phẩm Bão rừng, Hương máu và một loạt truyện ngắn khác in trên các báo Sài Gòn (cũ) công khai của ông không nhập vào trào lưu văn học “thời thượng” lúc bấy giờ.

 

Nhân vật của ông không phải là gái bán bar, thanh niên thác loạn... mà là những nhân vật anh hùng lừng danh ở quê hương ông như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân...

 

Ông đã viết về các nhân vật này bằng tất cả sự ngưỡng mộ và cũng là một cách bộc lộ quan điểm chính trị của mình. Tuy viết theo kiểu “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng nó đã có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước của người dân sống trong vùng tạm chiếm.

 

Đi và cãi

 

Có mấy ai biết được rằng thời trai trẻ Nguyễn Văn Xuân là người đi nhiều? Đi và ghi chép. Ghi chép và viết. Ông quan niệm rằng, nghiên cứu một vấn đề sử học không chỉ căn cứ trên văn bản mà còn phải khảo sát từ thực địa.

 

Chính nhờ những chuyến đi điền dã không mệt mỏi mà ông đã có được tác phẩm nổi tiếng Phong trào Duy Tân, in từ năm 1969 tại miền Nam.

 

Đây là công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch sử nước ta về phong trào Duy Tân. Ông tận dụng tối đa nguồn tư liệu cổ phong phú, tư liệu viết và tư liệu sống. Do đó, bức tranh của phong trào được ông dựng lại sống động, đầy nghĩa khí, trí tuệ, nhưng cũng vô cùng bi thương.

 

Hằng mấy chục năm qua, cuốn sách nghiên cứu này vẫn để lại ấn tượng sâu sắc, có giá trị lâu bền, có lẽ bởi ngoài chuyện tâm huyết còn phải nói đến tài năng.

 

Tài năng đó hòa với trái tim nồng nhiệt của nhà văn qua một bút pháp rất riêng. Bút pháp đem tấm lòng, tâm tình để viết lịch sử - đó chính là sức lôi cuốn và hấp dẫn của Phong trào Duy Tân.

 

Nhưng độc đáo nhất và tạo nên bản lĩnh Nguyễn Văn Xuân chính là thời điểm ông công bố biên khảo giá trị Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc.

 

Qua công trình này ông quyết “cãi”: Dịch giả Chinh phụ ngâm không phải Đoàn Thị Điểm mà chính là Phan Huy Ích.

 

Luận cứ của ông thuyết phục giới nghiên cứu khi ông đã đưa ra bản dịch mà ông tìm được trong thư viện gia đình của một bà Chúa ở xóm Âm Hồn ngoài Huế! Có thể ghi nhận đây là một trong những nét son đáng lưu ý của sự nghiệp Nguyễn Văn Xuân.

 

Chưa hết. Chính từ những chuyến đi điền dã, ông thu thập được nhiều vốn quý để viết Khi những lưu dân trở lại, trong đó, ông đã đưa ra một nhận định hoàn toàn mới ở thời điểm đó và qua kiểm nghiệm của thực tế đến nay càng thấy đúng:

 

Ở miền Nam, văn học trình diễn rất quan trọng. Ngoài Bắc, văn là để xem; trong Nam, văn là để nói. Thơ lục bát của Nguyễn Đình Chiểu là để nói. Người ta nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Thông Tàm, thơ Mụ Đội, vè Chàng Lía... Nói là phong cách lớn của văn học miền Nam góp vào văn học Việt Nam nói chung. Kết tinh của phong cách này là văn học trình diễn. Thật vậy, ở Trung Nam Bộ còn có câu ca dao:

 

Ai về Bình Định mà nghe

 

Nghe thơ chàng Lía, nghe vè Quảng Nam

 

Do phong cách tiếp cận vấn đề đầy tài tử như đã nêu trên, ở nhận định quan trọng này, ông đã đưa ra nhận xét thú vị về tính cách hai miền: Bánh chưng ngoài Bắc là thứ thích hợp với sự cố định, để nguyên một chỗ; bánh tét trong Nam là thứ thứ hợp cho di chuyển, xách mang. Miền Bắc nền nã, cố định. Miền Nam năng động và trẻ...

 

Chính vì thích đưa ra những nhận định như thế nên rất nhiều khi ông bị người khác bẻ lại, nhưng Nguyễn Văn Xuân vẫn cãi… tới cùng!

 

Tinh thần cao hơn vật chất

 

Cho đến tuổi “cổ lai hy” thói quen đọc báo buổi sáng của ông cũng không bỏ. Đó là thói quen của thị dân luôn khao khát tiếp cận với thông tin mới. Nhìn ông thong thả nhả khói thuốc lên nền trời xanh, ta có cảm tưởng hạnh phúc, đời sống gia đình của ông may mắn hơn người khác chăng?

 

Nhiều người quen thân ông cho biết, nhìn hình ảnh nhà văn Nguyễn Văn Xuân ngồi viết họ dễ nhớ đến nhân vật Điền trong truyện ngắn Trăng sáng của nhà văn Nam Cao.

 

Nhà văn cắn răng mà viết trong tiếng nợ đòi, viết vì gánh nặng gia đình đè xuống đôi vai gầy guộc... Nhưng cũng là viết như một cách thư giản thong dong trong cõi vô thường của văn chương chữ nghĩa.

 

Nếu trong sự nghiệp của ông rạng rỡ và thành công bao nhiêu thì trong góc khuất cuộc sống gia đình của ông lại đầy đau thương, oan nghiệt bấy nhiêu. Những mảng sáng tối trong đời ông luôn đan xen lẫn lộn.

 

Cái giá phải trả cho niềm say mê văn học và nghiên cứu văn hóa của ông là không thể kể xiết: Người bạn đời, ba đứa con của ông đều bị tâm thần và ông sống chung mấy chục năm với họ trong một căn nhà nghèo khó...

 

Với một hoàn cảnh không bình thường như thế nhưng ông vẫn yêu đời, vẫn sống và viết. Với ông, viết không chỉ để mưu sinh nuôi vợ con mà còn là một thú vui an nhiên tự tại giữa cuộc đời.

 

Và cứ thế, thuở sinh thời ông đã viết, và cả sau khi mất đi (2007) ông vẫn còn tiếp tục đưa ra những vấn đề hữu ích đáng nghiền ngẫm cho người đọc trong những công trình để lại.

 

Theo GD&TĐ

Lượt xem: 187
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN