A Lưới đồng bào mình

 

Đó là đầu đề của bài thơ dài gần 500 câu (cũng có thể gọi là trường ca) của nhà thơ Phạm Nguyên Tường, NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2017 vừa được tặng thưởng “Tác phẩm, công trình xuất sắc năm 2017” của Liên hiệp các Hội VHNT TT-Huế. A Lưới đồng bào mình – cái tít thật nôm na, dân dã mà nặng như thành ngữ, như một chân lý khẳng định. Cái tên ấy chứa đựng trong đó là cả một nền văn hóa, sử thi huyền thoại của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu nơi đại ngàn Trường Sơn A Lưới. Đó là câu chuyện về các lễ hội, lễ nghi truyền thống về các Thánh Thần, về Giàng và tình yêu. Đó là cuộc chiến sinh tồn của các thế hệ người A Lưới để giữ núi rừng, giữ bản nghìn đời.

 

 

Trường ca có 5 đoạn : đoạn 1 là sử thi huyền thoại; 2, 3, 4 là cuộc chiến “đồi thịt băm” và sự bất khuất của đồng bào A Lưới; 5 là hồi sinh. Mở đầu trường ca là mặt nước Ưng Hoong huyền thoại/ Ẩm mục hồn nhiên/ Thăm thẳm hồn nhiên để bắt đầu cuộc hành trình tìm về cội nguồn của núi, của cây rừng, của lá, của chàng A Doi “miệt mài đục đẽo hoa văn/ đục đẽo huyền thoại/ nghìn triệu năm; của Giàng Koh xanh thẫm... Và kết thúc là tình yêu của người A Lưới như tình con nước Ưng Hoong về xuôi, hòa vào mênh mông Quê hương, Tổ Quốc. Nhớ người anh em đồng bằng / Nhớ nhau quả bầu huyền thoại/ Nhớ nhau thân cây bờ suối / Nhớ tiếng cồng trầm hơi.../ Kể lể với thần linh/ chuyện đời đồng bào mình/ thăm thẳm đại ngàn A Lưới.

 

Theo truyền thuyết sử thi về cội nguồn của đồng bào Cơ Tu A Lưới, nhà thơ kể về những chàng trai mạnh mẽ, cường tráng, oai hùng là thủy tổ các dân tộc, làm nên núi, nên sông, nên bản. Đó là chàng A Doi: ...bóng chàng gùi cõng đá thiêng... tiếng hắt hơi của chàng mạnh hơn ngàn trận gió/ tống đuổi bọn gian tà... chàng là đá thiêng/ thịt da đá tảng... thân chàng uy nghi/ giáo đâm không thủng/ tên bắn không vào/ rựa chặt không đứt... Chàng là ngọn núi trời yêu nàng Kabih Katang đẻ ra ngàn ngọn núi cho người Cơ Tu. Đó là chàng Tơ Rứt  chém diều hâu cứu nàng Kalang Batưng về làm vợ. Chàng vít gãy cần rượu, bắt lợn một tay, leo gãy mười một bực thang... Chàng ôm giữ ngàn ngọn núi /cho người Cơ Tu. Đó là chàng Achât bước ra từ hốc đó Kăh Trakooq/ vạm vỡ như cây Pơ rao... chàng bước đi vùn vụt như con chim chideh aleang/ hai chân hai ngọn núi/ núi tựa lưng trời... hồn nhiên mà phóng túng / Như những thân hình Tà Ôi!

 

Sử thi ngàn đời còn nồng trong câu hát, trong cuộc sống hàng ngày của người A Lưới. Hãy hát rộng trên ngã ba sông này/ đón mừng mùa yêu nhau/ mùa đi sim ngây ngất/ hát cho thành vợ thành chồng/ hát cho thành nhà thành cửa/ hát cho quả bầu thần thoại/ đầu nguồn A Sáp A Lin/ Vỡ ra đông đúc /đồng bào mình. Cuộc chiến sinh tồn của đồng bào không kể nghìn đời bão tố, cuồng dông, lũ cuốn, mà ngay trong thời hiện đại, một loài thú dữ là con người đã tràn đến đại ngàn và biến đồi A Biah xinh đẹp thành “đồi thịt băm” giai thoại. Cả giai thoại tuột tấm Zèng duy nhất quấn quanh thân/ mẹ một tay giữ zèng một tay giữa súng... Câu chuyện tác giả kể về người mẹ đại ngàn như một sự tổng kết: mẹ không biết quân thù gọi đồi Thịt Băm kinh khiếp/máu thịt đồng bào máu thịt quê hương/cây Arlăng nơi kẻ thù băm xác người trai làng Cu Lói/có rửa sạch nỗi hờn căm bầy khát máu điên cuồng...

 

50 năm sau, “đồi Băm Hồn” chỉ còn trong bảo tàng chứng tích. Bây giờ ngọn nêu gióng lên trời trong nghi lễ axa, arát. Đất rừng A Lưới lại hồi sinh. Tác giả Phạm Nguyên Tường đã rất sảng khoái trong khổ thơ tự sự kể về những địa danh nơi đại ngàn A Lưới làm ăn tấn tới. Bây giờ:ngọt ngào như mặt mẹ Kawn Ruôh/ nuôi hết tám đứa con vào đại học/ ai lên trang trại Hồng Vân/ Hương Phong, A Đớt/ những cánh đồng lúa nước/ Hồng Quảng, Hồng Trung/ ai vô A Roàng thức giấc nguyên sinh/ ong cho mật đầy Nhâm/ Rừng keo A So Đông Sơn phủ xanh đất chết/ ai lên Hồng Hạ Hồng Kim / Ngâm mình trong làn nước mát.../ sáng dạ như Kawn Tưi/ cứ sẵn sàng những giấc mơ vượt mình vượt núi...

 

Trong A Lưới đồng bào mình, những hình tượng và ngôn ngữ thơ được khai thác tối đa huyền thoại, sử thi và ngôn ngữ đồng bào. Rất nhiều câu thơ hay là ngôn ngữ và tập tục đại ngàn: “Ơi, cái lưng chàng to/ như hòn đá suối”;  Đôi chân em đẹp như ngà voi/ cái ngực em đẹp như mặt trăng/ cái tóc em dải mây dài trên núi; zèng trần đục tiếng cồng tiếng trồng/ zèng đung đưa điệu sao điệu kèn.../ mẹ đeo bông tai sừng trâu/ choàng cổ vòng mã não... Tác giả còn dựng hình tượng thơ bằng tư duy của đồng bào: nhìn đại ngàn bằng lưng; hai chân hai ngọn núi... Cũng phải nói thêm, tập thơ in đến 10 bức tranh minh họa của họa sĩ Đặng Mậu Triết, tranh màu, tranh bút sắt đã làm sinh động thêm cho thơ.

 

Nhà thơ Phạm Nguyên Tường là bác sĩ- tiến sĩ ở Khoa ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế, bận suốt ngày. Vậy thời giờ đâu mà viết trường ca A Lưới đồng bào mình xuất sắc vậy? Anh bảo: “Qua những lần đi trại viết của Hội, qua những đợt lên khám bệnh cho đồng bào, rồi gặp gỡ, tìm hiểu, đến  gần chục năm mới viết được bài thơ dài này”. Vâng, thơ ca là thổn thức của trái tim, nhưng thơ ca cũng là sự đồng cảm với cuộc sống của con người, của một vùng đất. Xin cảm ơn nhà thơ đã cho đời một bài thơ hay về đại ngàn A Lưới!

 

Theo CADN

Lượt xem: 229
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN