Ngọt ngào nỗi nhớ hương hoa móng rồng...

Tháng 4, phố Hà Nội phảng phất một mùi hương ngọt ngào sâu lắng thật đặc biệt. Mùi hương khiến tôi nhớ tới một loài hoa cứ tới cữ cuối xuân, chớm hạ lại lặng lẽ trổ bông, đó là hoa móng rồng. 

 

 

Hoa móng rồng thường được người Hà Nội trồng làm cảnh lấy mùi thơm và còn để hái dâng cúng tổ tiên. Cây ưa nắng, vào mùa hoa nở rất “sai”. Có lẽ do hình dáng những cánh hoa khum khum tựa như móng của con rồng trong truyền thuyết nên mọi người gọi là hoa móng rồng. Khi mới trổ bông, cánh hoa có màu xanh nho nhỏ, lẫn vào với lá.

 

Sau một thời gian, cánh hoa dần ửng vàng. Trong vòm lá xanh rời rợi, những bông hoa móng rồng vàng tươi khoe sắc trong cái nắng, cái gió chênh chao phút giao mùa. Khá nhiều người nhầm lẫn giữa hoa móng rồng và hoa hoàng lan. Nhưng nếu tinh ý, bạn sẽ cảm nhận hai loài hoa mang hai vẻ đẹp khác nhau. Cánh hoa móng rồng dày, tạo dáng dũng mãnh với hương thơm ngọt ngào. Hoa hoàng lan cánh mỏng manh yểu điệu với mùi hương dịu dàng tinh tế.

Người Hà Nội xưa có câu ca: “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua”. Tại sao lại như vậy? Bởi ngày rằm, mùng 1 xưa, người dân làng hoa Ngọc Hà thường bán hoa gói để mọi người mua về dâng cúng tổ tiên. Còn nhớ ngày còn nhỏ, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi chợ.

 

Đến ngày rằm, sóc, vọng mẹ thường mua hoa đĩa về thắp hương ông bà, tổ tiên. Những bông hoa thường được gói trong chiếc lá rong giềng xanh ngăn ngắt. Mùa nào hoa nấy. Các bà, các cô bán hàng nhẹ nhàng đặt những bông hoa thiên lý xanh ngọc, hoa ngâu lấm tấm vàng, hoa bưởi trắng tinh khôi, hoa mẫu đơn, hoa mồng gà đỏ rực, hoa móng rồng vàng tươi... trong gói hoa.

 

Người bán hàng gói hoa thật chậm rãi, khẽ buộc bằng một sợi rơm mềm, trao cho người mua đầy trân trọng. Mẹ tôi thường không bao giờ mặc cả với những gói hoa cúng như 7fe3 vậy. Khi mang về nhà, bao giờ bà cũng dùng nước mưa “tráng qua” gói hoa rồi bày vào đĩa, kính cẩn dâng lên ban thờ. Cả một không gian tâm linh phảng phất mùi hương của các loài hoa quyện với hương trầm ngan ngát thật an yên.

 

Người xưa bày hoa trên đĩa để thắp hương mang ý nghĩa trân trọng dâng cúng tổ tiên để phân biệt với hoa cắm chơi trong lọ. Các bậc tiền nhân chỉ cắm vào lọ một số loài hoa đặc biệt không thể bày trên đĩa như hoa sen, hoa huệ, hoa thu hải đường. Với hoa dâng cúng, người xưa thường xem trọng hương thơm thanh tao. Điều đó mang ý nghĩa sâu sắc, đó là muốn nhắc nhở mỗi người khi đứng trước ban thờ, phải giữ được tấm lòng thanh sạch.

 

Đã lâu lắm tôi không còn được nhìn thấy một người Hà Nội bán hoa cúng theo nếp xưa. Thi thoảng, chúng ta mới bắt gặp một hàng rong bán hoa cau, hoa bưởi đi trên phố. Lần cuối cùng tôi bắt gặp một bà cụ ngồi bán ở quãng cuối phố Hàng Khoai giáp với phố Hàng Lược. Các loại hoa như mẫu đơn, móng rồng, ngâu... được bà bày trên cái mẹt được đỡ bởi cái thúng mây, trong thúng là xấp lá rong giềng và bó rơm tuốt sạch vàng óng. Cái cách bà bán hàng nhẹ nhàng, trân trọng đúng nếp xưa.

 

Bây giờ, các loài hoa phong phú hơn xưa rất nhiều, thậm chí còn được nhập từ nước ngoài về. Hoa cúng cũng không còn được bày trên đĩa, người ta thường cắm trong lọ, trong bình. Có những gia đình dùng cả các loại hoa thường chỉ để tặng sinh nhật cắm lên ban thờ.

 

Sớm nay, hương hoa móng rồng ngọt ngào bỗng đưa tôi trở về miền ký ức với những hình ảnh thân thuộc của một Hà Nội ngày xưa cũ. Phải chăng, cuộc sống hiện tại bộn bề và áp lực đã khiến ta tuột mất những cảm xúc của một thời “sống chậm”.

 

Theo Pháp luật & Xã hội

Lượt xem: 465
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN