Mùa gặt tháng ba...

 

 

Hạ lại chớm về trong cái nắng tháng ba. Nắng rót mật vàng, luễnh loãng tràn xuống cánh đồng, nhuộm vàng thảm lúa mênh mông mới hôm nào còn xanh ngun ngút. Khởi sắc vàng mơ, rồi vàng ruộm, óng ả những gié lúa oằn cong trĩu mình phơi hạt mẩy căng đón nắng. Từng ngày mặt trời đi qua, hào phóng rót nắng mật xuống đồng hun chín hạt vàng, hun khô chân rạ. Nước lấp xấp mặt ruộng cứ rặt dần, rặt dần phơi lớp bùn đen ngày một ngả sang nâu. Cá tôm cuống quít dắt nhau trườn mình xuống các vũng, các lạch con được đánh tạm làm lối thoát nước ra mương ngày đồng vừa gieo sạ. Lũ chim chiền chiện, cuốc lủi hân hoan vào mùa sinh sản bằng những chiếc tổ con khéo léo kết vội vàng ẩn sâu trong ruộng lúa. Một chùm thân lúa xoắn xuýt nhau, ôm giữa một tổ chim chiền chiện hoặc tổ cuốc xinh xinh; nơi chim mẹ sẽ đẻ vài ba chiếc trứng vàng ngà hoặc trắng lấm chấm đốm nâu vào giữa tổ. Và ấp. Và nở ra những chú chiền chiện hoặc cuốc con bé xíu được bố mẹ thay nhau đi về chăm sóc, mớm mồi…

 

Mùa gặt tháng ba, mẹ ra đồng thể nào tôi cũng nằng nặc xin theo vì mê…săn tổ chim và bắt cá (mắc) cạn! Đội chiếc nón cời (nón mê) của mẹ phế thải, tròng thêm chiếc áo bà ba cũ (cũng của mẹ) lụng thụng gần tới gối, ống tay xăn lên quá nửa cũng chỉ vừa vặn ló hai bàn tay vì mẹ sợ tôi ăn mặc phong phanh, loăng quăng dang nắng suốt ngày ngoài đồng sinh bệnh. Mẹ gặt đằng trước; tôi lẽo đẽo theo sau. Nhác thấy vạt lúa nào có chim chiền chiện bố/mẹ vụt bay lên lại chỉ tay nhí nhố hò reo. Mẹ cẩn thận rẽ lúa dòm; sau đó đưa liềm quơ nguyên nắm lúa có dính tổ chim, cắt soạt! Trong tổ thường là trứng; những chiếc trứng chiền chiện bé xíu xiu lốm đốm chấm nâu nhìn dễ thương như cổ tích. May mắn gặp một tổ cuốc trứng to cỡ ngón chân là mừng “vấp té”, bởi chơi xong có thể luộc ăn, ngon như trứng gà. Khi gặp các vũng cạn hoặc những lạch giữa ruộng còn xâm xấp nước là chúi đầu “săn” cá, bắt cua kềnh, rắn nước. Không việc gì phải vội; cứ thong thả “lượm” từng chú một bỏ vào chiếc giỏ tre mang sẵn. Thêm vài ngày nắng nữa đồng sẽ khô trắng đất; không ai “lượm” đường nào chúng cũng chết khô. Lang thang cả buổi thể nào tới chiều về trong túi chiếc áo bà ba lụng thụng của tôi cũng ph&o 7fe6 circ;̀ng căng “chiến lợi phẩm” là mớ tổ chim cùng chiếc giỏ tre rột roạt nào cua nào cá...

 

Giờ thì đã hút xa một thời tuổi nhỏ. Tháng ba Âm lịch, đồng vàng xình xịch những chiếc máy gặt bò ngang bò dọc. Lũ chim chiền chiện vẫn thảng thốt bay mỗi khi nghe tiếng máy động từ xa. Chỉ khác cái không còn mẹ; không còn bóng đứa trẻ ngày xưa áo thụng nón cời lẽo đẽo theo sau… Mà không; với tôi, mẹ vẫn về trong những giấc mơ vàng nắng tháng ba. Lại gò lưng mải miết quơ liềm trên cánh đồng vàng ruộm. Thi thoảng mẹ ngừng tay, ưỡn lưng cho đỡ mỏi; tiện thể ngoái trông chừng thằng cu, coi liệu nó có ham chơi mà phơi đầu phơi lưng ra nắng?

 

Theo CAĐN

Lượt xem: 192
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN