Theo Viễn Kính tìm hình bóng cũ

Lịch sử là những vĩ nhân với những kỳ tích. Lịch sử cũng là những góc khuất bé nhỏ, thầm lặng lưu giữ những gì đẹp đẽ nhất. Với cuốn sách mới của mình, Ký ức một ảnh viện Sài Gòn (*), Nguyễn Vĩnh Nguyên đi tìm lịch sử trong một ảnh viện, cái ảnh viện nằm lọt giữa một Sài Gòn hoa lệ mà chứa đựng trong đấy những ký ức của một thời phồn vinh...

Sài Gòn có một ảnh viện mang tên Viễn Kính, Viễn Kính ấy có một người chủ tên Đinh Tiến Mậu. Từ chỗ một anh chàng thợ ảnh học việc bỡ ngỡ bước chân đến Sài Gòn, đến một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, được bước chân vào chốn hậu trường, ghi lại khoảnh khắc của biết bao nghệ sĩ miền Nam vào cái thời hoàng kim một thuở.

 

Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân khắc họa hình ảnh một người lao động bình thường, đã tự nâng nghề nghiệp của mình lên thành một nghệ thuật khiến chúng ta phải ngưỡng mộ. Ở Ký ức một ảnh viện Sài Gòn, Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng đã lựa chọn một nhân vật ta cứ ngỡ bình thường, ấy vậy mà con người bình thường ấy, bằng chính đôi tay của mình, sự cần mẫn và chuyên nghiệp, đã tôn vinh nghề nghiệp của chính mình bằng những bức ảnh có khả năng lưu giữ ký ức.

 

Đinh Tiến Mậu trải qua một đời chẳng mấy biến cố, với cái tài của ông, sống trong một thời điểm, trong một môi trường đầy biến động như thế, rất có thể ông đã thành danh với những bức ảnh chính trị, những câu chuyện thời sự.

 

Trái lại, Đinh Tiến Mậu lựa chọn chỗ đứng của mình để lưu giữ thứ phù phiếm nhất nhân gian, một nhan sắc, mà nhan sắc ở đây đâu hẳn tầm thường, đó là chơn dung của những tài tử, minh tinh màn bạc, những kỳ nữ mà tài sắc khiến bao người một thời mê say.

 

Thanh Lan, Thanh Nga, Duy Khánh, Hùng Cường, Phương Hồng Quế, Kiều Chinh... những khuôn mặt ấy lần lượt được bàn tay Đinh Tiến Mậu đóng băng vào thời gian.

 

"Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính", NXB Trẻ, Phương Nam book, 10.2017 

 

Tản Đà từng có những câu thơ ghi lại cái tình với ảnh:

 

Xuân bất tận giời cho có mãi


Mảnh gương trong đứng lại với tình


Trăm năm ta lánh cõi trần


Nghìn năm mình giữ tinh thần chớ phai

 

Đinh Tiến Mậu đã tôn vinh nghề của mình như thế, tự nhận là một người thợ ảnh chứ không phải nghệ nhân, bao lần bước chân đến chốn hậu trường với nhiều ưu ái vậy mà ông chỉ lặng lẽ hoàn thành chức phận thợ ảnh của mình, khoảnh khắc ánh đèn flash lóe lên chính là lúc ký ức của ông bùng khởi, ghi lại, rồi thoáng qua trong cái bất tận bao la của đời sống. 

 

Độc giả có thể tìm ở người ký thác tâm tình vào ảnh một giai đoạn náo nhiệt của nghề nhiếp ảnh Sài Gòn, nhưng khó có thể tìm ở ông những câu chuyện trà dư tửu hậu, có thể đưa lên trang nhất của tờ báo nào đó. Đấy cũng là cách ông giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình, tròn chức phận. 

 

Đinh Tiên Mậu giữ cho mình một cuộc đời “nhẹ” đến rồi đi như một khoảnh khắc ra đời của một bức ảnh. Cuốn sách sẽ mỏng vô cùng, nếu Nguyễn Vĩnh Nguyên không bổ sung vào đấy lịch sử ngành nhiếp ảnh, phụ bản chân dung của những nghệ sĩ lừng lẫy một thời. 

 

Giờ đây giở sách xem hình, lòng ta gợn chút xuyến xao tự hỏi người trong ấy nay đâu, nhan sắc ấy giờ chắc đã phai đi mấy độ. Nhưng rồi những ảnh này sẽ thành bất tử, nhan sắc ấy sẽ vĩnh viễn không tàn, nhờ người thợ ảnh Đinh Tiến Mậu. 

 

Đinh Tiến Mậu đã ghi nhận cái đẹp của thời đại mình, và Nguyễn Vĩnh Nguyên đã ghi nhận một con người tài hoa thầm lặng mà chúng ta rồi cũng sẽ quên đi rất nhanh, nếu không có những cuốn sách như Ký ức một ảnh viện Sài Gòn

 

Theo Người Đô Thị

Lượt xem: 226
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN