Quê ngoại

Quê ngoại, với tôi là miền ký ức đầy nhung nhớ, hoài thương!

 

Tiếng là “quê ngoại”, nhưng nội và ngoại thực ra là hai liên xóm của xã, cách nhau một cánh đồng; đứng cuối làng này ngó đầu thôn kia có thể đoán biết mặt người; chợ phiên của vùng họp trước nhà ngoại, các bà từ làng tôi gánh rau lên chợ bán, ăn chưa dập miếng trầu thì đã gặp cổng chợ.

 

Bây giờ, trên con đường lên nhà ngoại, một bên đã san sát nhà do dân số và nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, những cụm dân cư trước đây trở nên chật chội, chính quyền phải lấy một phần đất canh tác của làng tôi ngày trước chuyển thành đất ở; “ranh giới hành chính” được xóa mờ, các hộ giáp hai xóm nấu nước chè xanh đôi khi vẫn gọi mời nhau, nhưng những khác biệt, đặc trưng giữa hai làng, đôi thôn thì vẫn luôn rõ rệt.

 

Quê ngoại là một xóm chợ, ven sông, phần đông là thuần nông, nhưng đã có thêm nhiều nghề khác, như rèn, làm bánh, sửa xe, xay xát, luyện vôi, chài lưới và những tiểu thương nhỏ lẻ khác. Ngoài dân gốc của làng, nhiều gia đình, thế hệ từ nơi khác đến sinh sống, lập nghiệp trở thành những cư dân không thể thiếu của cộng đồng. Nhưng đa ngành nghề chưa phải là cái đặc trưng nhất của thôn xóm này. Nơi này, đàn ông lớn lên tất biết chơi đàn, hiển nhiên tựa những đứa trẻ sống bên sông biết bơi vậy. Tiếng guitar của các chàng trai chân thành, thổn thức, thiết tha, gọi mời, tình tứ chẳng thể lẫn vào đâu được từ cách đi hợp âm, dạo đầu, phiêu phăng và kết thúc. Hàng tối, thanh niên và có cả trung niên, cụ già nữa tụ tập lại sinh hoạt văn nghệ, hát, đánh đàn cho nhau nghe. Khả năng chơi guitar - từ đó - cứ được truyền lại tự nhiên như một di sản của làng.

 

Tôi có vài người bạn thân ở đó, mỗi lần về thăm quê, lên ngoại, gặp bạn, thế nào cũng được đãi một chầu guitar đã đời - trên một bãi cỏ ven sông, dưới gốc cây bên đồi hoặc ngay tại nhà bạn. Ở đó từng người một sẽ góp vui và thú vị thay, có người vẫn hát đúng bản tình ca ấy sau bao nhiêu lần chúng tôi gặp mặt, có thể vì đó là “bài tủ” của bạn, nhưng cũng vì những người khác thích được nghe lại, n 7fe0 hư để cùng nhớ, cùng về thăm lại một miền ký ức thơ mộng, xa xăm, êm đềm. Với chúng tôi, như vậy là thân tình, ấm cúng và thú vị hơn đi đến quán karaoke nhiều.

 

Nhà ngoại tôi ngoảnh mặt ra sân vận động, hơi chếch về hướng chợ, quay lưng về phía sông. Ông bà tôi thểu thảo, chuộng phong trào, cục bộ và hiếu chiến một cách đáng yêu: trong các cuộc thi văn nghệ, thể thao giữa các làng, xóm ông mà không về nhất, ông buồn lắm. Mỗi lần có hoạt động thi thố ở sân, ông chuẩn bị ghế bàn từ sớm, kêu gọi bà con trong thôn cổ vũ, ủng hộ đội nhà. Thời trai trẻ, ông tài trợ đồng phục, chi phí và theo đám thanh niên làng đi thi đấu, giao lưu từ nơi này sang nơi khác.

 

Ngày nhỏ tôi hay lên ở với ông bà, cậu dì tôi lắm. Những ngày nghỉ học, tôi theo cậu xuống thuyền, đi câu tôm bên những vách đất đỏ dựng đứng trên vực sâu tít, nước trong xanh leo lẻo; rồi chiều, cậu chèo thuyền chở tôi sang bên kia sông tắm. Những buổi chiều nhạt nắng, tôi có thể nhìn thấy lá ngô đồng quay rụng trên những lều chợ lác đác chỉ vài ba người bán, dăm bảy người mua, nhìn đàn bò lững thững, nhởn nha gặm cỏ trên sân vận động, nghe được tiếng chuông nhà thờ của xóm đạo bên kia sông vẳng sang... thấp thoáng một khoảng trời thật thanh bình, êm ả.

 

Quê ngoại trong tôi, là bức tranh sinh động, đầy sức sống trong “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ; là cái êm đềm, xa vắng, quạnh hiu trong “Hai chị em” của Thạch Lam và cả “những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu tỏa nắng” duyên dáng của Hoàng Cầm nữa.

 

Bây giờ, tất cả đã được xóa sạch để phục vụ, hiến tế cho cho sự nghiệp “nông thôn mới”. Mỗi lần trở về quê ngoại, tôi vẫn phảng phất thấy bóng dáng những cây cổ thụ đáng thương năm nào và hình ảnh sân vận động phơi mình dưới ánh chiều êm đềm, thanh vắng.

 

Đặng Quỳnh Giang/Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Lượt xem: 236
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN