Tết vía trâu vùng Tày Nùng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc

Tại sao gọi Tết Vía trâu? Tôi cũng chưa kịp tìm hiểu từ các bậc cao niên. Nhưng theo tôi thiển nghĩ, người Tày Nùng chúng tôi vốn coi trọng nghĩa tình.

Ăn lộc của ai phải biết ơn người ấy. Ăn lộc từ thiên nhiên người phải biết ơn cây cỏ. Huống chi trâu là bạn của nhà nông. Nên bà con dành hẳn một cái Tết cho trâu.

 

07-50-26_trng_36
Ảnh minh họa

 

Vào dịp này, cánh đồng lúa đã bắt đầu bén rễ. Lúa như những đứa trẻ sơ sinh hãy còn loe hoe lông măng. Tã óm lỏng lẻo hở cả rốn ra ngoài. Chúng giơ tay giơ chân quều quào khua lên trời. Lúc nào lá cũng đạp nọc nạch, tung tinh rối rít. Gốc lúa nhả ra chữ o chữ ô ấm áp, tạo thành những âm tiết giản đơn, nhưng thiêng liêng đoạn đầu cuộc đời. Sao có người lại bảo đây chính là tiếng ếch ộp gọi bạn tình. Chắc phải như thế rồi. Thảo nào gió cứ lay nhay sung sướng. Gió đứng dậy từ mặt ruộng. Nó mang theo mùi bùn non. Bùn non sánh như sữa đặc. Chẳng biết lúa ngủ vào lúc nào. Ngày cũng như đêm, khi đi ngang qua cánh đồng, tôi đều nghe tiếng lúa non chóp chép. Cả cánh đồng bay lên, dâng lên mùi tanh bùn non. Bùn đượm sương đêm nắng sớm, nên váng bùn tụ thành những quầng. Bùn cũng có vòng đời bao quanh gốc lúa.

 

Tết Vía trâu vào tháng 6 âm lịch, người ta không chuẩn bị bánh trái đồ ăn linh đình như cỗ Tết Nguyên đán hay Rằm tháng Bảy. Nhưng cũng đủ rượu nếp cẩm, bún thang, xôi vò, thịt ngan béo, thịt lợn quay. Nhà nào cũng chuẩn bị một con "cáy tắc" gà giò luộc kỹ, dành hẳn cho lũ trẻ chăn trâu. Con "cáy tắc" to bằng hai nắm đấm, vừa đủ cho một đứa bé bảy tám tuổi ăn no. Con "cáy tắc" làm bạn với trẻ trâu, từ lúc vừa ra khỏi quả trứng. Chú chăm bẵm khi nó nhỏ bằng cục bông vàng. Ng&agrav 7fdb e;y nào đứa trẻ trâu cũng dẫn cục bông vàng đi đào giun. Con "cáy tắc" cứ lon ton chạy theo chú. Vì nó là con độc, nên cục bông vàng lớn hơn hẳn bọn cùng lứa.

 

Hồi xưa tôi cũng nuôi một con "cáy tắc". Nhưng lớn chậm béo muộn. Đến Tết Vía trâu, nó cũng kịp mang ra mổ. Tôi xách cơm nắm cùng con "cáy tắc" mang đi chăn trâu. Theo bạn bè, tôi đuổi đàn trâu vào lũng Pác Nạo. Lũng Pác Nạo nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá vôi. Núi đứng sừng sững như chọc lên ông trời. Ngọn núi nào cũng nhọn hoắt, cao vời vợi. Ho một tiếng, núi trả lời mười tiếng. Gọi một câu, núi nọ truyền núi kia đi miết, đến tận nơi mặt trời lặn.

 

Chờ mãi, chiều mới xuống được lưng chừng. Tôi vội réo tên chúng bạn, mang "cáy tắc" ra bãi bằng, bày ra lá, đánh chén. Đứa nào cũng mang theo một con gà mái tơ, béo ngậy. Riêng cái Cắt thì không. Nhà nó có con vịt, con gà nhỏ bằng nắm tay, bố Cắt cũng mang ra chợ Co Xàu, đổi lấy vài "xèng" li thuốc phiện. Hồi đó, chúng tôi đâu biết thương bạn mình nghèo. Khi chúng tôi ngồi ăn, Cắt chui một mình sau lùm lá. Nó khóc lén. Nước mắt loang đầm đìa trên khuôn mặt trăng tròn.

 

Phải nói rằng hồi đấy, Cắt khá xinh và hát lượn nghe đã vang và nẩy. Sau này, người làng kể, Cắt đi văn công tỉnh, hay đoàn của Khu tự trị Việt Bắc. Thi thoảng có đi xe con đưa Cắt về thăm làng. Không còn tên Nông Thị Cắt nữa, bạn đã đổi thành Ngọc Lan. Ngọc Lan lấy chồng làm to, mãi Hà Nội. Chuyện thời trẻ con đã năm mươi năm. Nhưng với Cắt, mỗi khi nhớ lại, tôi và các bạn vẫn thấy ngượng ngùng, xấu hổ.

 

Từ sáng sớm, cha tôi đã gọi cả nhà dậy sớm làm bún. Làm bún là công đoạn vất vả nhất. Tốn công, tốn sức nặng nhọc nhất. Từ khâu xay bột, đến lúc cho vào khuôn ép thành những sợi bún, đều tự tay mình làm. Nên bún làng tôi thô và dễ gãy. Sợi bún to như chiếc đũa. Những chiếc đũa mềm mại, uốn lượn trắng bóc, đồng loạt xuất hiện. Chúng bị nhấn chìm xuống chảo nước đang sôi. Mội lúc sau bún chín. Bún nổi lên từng đám. Những sợi bún trắng tinh thơm phức. Chúng được người ta múc lên và rải đều trên lá chuối.

 

Trời ạ! Cả một trời là bún. Bún thì trắng tinh còn lá chuối thì xanh ngắt. Sàn nhà nào cũng đầy bún trắng, lá chuối xanh. Trắng xanh ôm nhau thi thóp thở. Khắp các ngõ ngách làng tôi, rầm rì tiếng cười. Họ sắp bún với thịt vịt mang ra cho đồng lúa ăn trước.

 

Nhà nhà gọi nhau bưng mâm ra ruộng, cúng hồn lúa. Phải cúng đồng loạt. Nếu kẻ trước người sau thì hồn cả đồng lúa xông vào xơi hết cỗ. Người được tiếng nhanh nhảu, bị thiệt thòi. Người rồng rắn đi trên bờ ruộng. Ai cũng đội trên đầu một mâm cỗ. Trên đó có một con gà luộc. Một đĩa xôi vò. Một be rượu gạo. Hai bát bún thang. Họ thắp hương và lầm rầm khấn hồn lúa.

 

Nhưng tại sao lại gọi Tết Vía trâu? Mà không phải là Tết Hồn lúa? Từ xa xưa Người Việt có câu "Con trâu là đầu cơ nghiệp". Người Tày Nùng có câu: "Tuô mò dò pỏ khỏ", tạm dịch: "Con bò giúp gỡ cảnh nghèo". Không có nó, con người vẫn có thể dùng sức của chính mình kéo cày làm đất. Nhưng quá cực nhọc, vất vả, mà không năng suất.

 

Cả làng cả tổng ai cũng gọi trâu ơi. Gọi trâu như gọi người. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, người già kể rằng: Từ cổ xưa, con trâu và những con vật khác biết nói tiếng người. Nhưng lâu rồi. Không hiểu sao, trâu tự làm mất tiếng. Trâu chỉ biết cười thôi. Mỗi khi nhớ đồng bọn, nó ngửi vào mùi nước đái. Thế là trâu ngửa mặt lên trời. Trâu cười. Mỗi lần trâu cười, tôi thấy vui cả rừng cây con suối. Rừng lao xao hát. Suối rì rào kể. Hình như khi trâu cười, đất đai mộp mạp thở. Cỏ xanh lóc léc tươi. Và lòng người hoàn toàn lâng lâng nhẹ nhõm. Khổ như trâu mà còn được cười!

 

Con trâu là một phần tài sản không nhỏ, trong mỗi gia đình người nông dân Tày Nùng. Trâu từng được kê khai trong lý lịch một thời. "….Nhà tôi có một nửa sào ruộng và một nửa con bò". Có nghĩa tôi thuộc thành phần bần nông! Thành phần cơ bản! Ắt sẽ được cấp trên cho đi đào tạo lớp cán bộ ngắn hạn. Còn những ai mà gia đình có đến bốn năm con trâu, bảy tám con nghé, cộng thêm vài đám ruộng. Dẫu có học giỏi bằng giời, vẫn ở nhà nghỉ cho khỏe. Họ thuộc thành phần phú nông địa chủ! Phú nông với địa chủ nghe mà buồn cười. Cả nhà chỉ có vài đám ruộng. Lúa mọc như cỏ gianh. Đi hai bước chân là hết đất. Nhưng vào cái thời ấy dính tý thành phần là cấm ho hen. Đừng hòng sủi tăm. Có nằm mơ cũng không thoát ly ra khỏi làng! Thuở ấy, người ta cứ nhằm ông nào bà nào cứng đầu cứng cổ, hay có ý kiến thẳng thừng với xã. Hoặc ai cả năm cả đời không dám nói to, lập tức bị làng bầu lên phú nông địa chủ. Làng tôi nhất nhất nghe theo cán bộ. Không cần biết đúng sai.

 

Nhắc lại câu chuyện ấu trĩ cách đây bốn, năm chục năm, để thấy giá trị của con trâu con bò một thời. Nó là máu và nước mắt của người nông dân thực sự.

 

Người dân quê tôi vẫn duy trì Tết Vía trâu hằng năm. Loại trừ yếu tố phi khoa học, Tết Vía trâu gợi cho con người lòng biết ơn sâu sắc. Tất thảy những ai đã giúp mình thoát khỏi cơn đói khát, giúp làm tan nỗi buồn phiền, đều phải biết ơn.

 

Theo Y Phương/Kiến thức gia đình số 30

Lượt xem: 236
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN