Nhà văn Vũ Hùng - tươi thắm tình yêu tuổi thơ và thiên nhiên

Nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu về nhà văn Vũ Hùng và bộ sách đoạt giải Vàng Sách hay giải thưởng Sách Việt Nam 2016.  

Đã 10 năm nay (2006 - 2016), Tiểu ban Sách thiếu nhi Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam đã âm thầm lặng lẽ làm công việc đọc và xét giải thưởng Sách Hay hàng năm.

 

Các nhà văn Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, nhà báo Nguyễn Như Mai, rồi tiếp theo đó là nhà thơ Trần Hữu Việt, cùng với tôi đã nhiều lần được vui mừng chọn các cuốn sách thiếu nhi đề cử vào Giải Vàng. Đó là những cuốn như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của nhà văn quân đội Nguyễn Xuân Thủy, Cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương…

 

Nhưng, chưa có năm nào Tiểu ban Sách thiếu nhi lại có một sự đồng thuận rất cao khi đọc và lựa chọn bộ sách văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng (NXB Kim Đồng, 2015) đề cử vào Giải Vàng – Giải thưởng Sách Việt Nam 2016 với điểm cao tuyệt đối - 100 điểm.

 

Nha van Vu Hung - tuoi tham tinh yeu tuoi tho va thien nhien hinh anh 1

12 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2015. 

 

 

Để bình luận được cái hay của văn Vũ Hùng 7ff0 thật là không giản đơn, càng đọc văn Vũ Hùng, càng thấy văn của ông hay như tự nhiên như thiên nhiên như bông hoa đẹp, như con voi, con nai rừng hoang dã dễ thương, như mây trắng trời xanh không còn lời nào để nói hơn được nữa mà chỉ còn sự im lặng cảm xúc, lắng nghe tiếng vô thanh của nội tâm xôn xao.

 

Lại càng thấy kính nể hơn khi biết cuộc đời ông đã từng trải những biến động thăng trầm hiếm ai có dịp trải qua cho đủ. Từ tuổi niên thiếu 14,15 đã chứng kiến những biến động của thời cuộc, gia đình ly tán (được ông kể trong tác phẩm Mái nhà xưa). Tuổi thanh niên đã trải qua đời chiến sĩ, đi học trong nhà trường của quân đội bên nước bạn Trung Quốc, rồi từng làm chiến sĩ điện báo, sống ở Lào, ở Trường Sơn, ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh.

 

Hòa bình lập lại, có thời làm kỹ sư điện, có khi làm nhà văn, nhà báo, biên tập viên… từng có lúc là cán bộ quản lý cấp Vụ ở Bộ Văn hóa, rồi lại sống ở trời Tây, làm đủ mọi nghề trong 20 năm ở Pháp.

 

Với vốn sống phong phú trải đời như thế, ông không viết tiểu thuyết xã hội mà lại dành tất cả sự nghiệp cho việc viết cho trẻ em, về muông thú, thiên nhiên… Phải là người có tâm từ bi hỉ xả mới có thể tĩnh lặng ngòi bút đi sâu vào gợi tả vẻ đẹp của phần THIỆN của con người trong tất cả những trang văn của mình.

 

Nha van Vu Hung - tuoi tham tinh yeu tuoi tho va thien nhien hinh anh 2

Nhà văn Vũ Hùng trong buổi tọa đàm ra mắt 12 tác phẩm của ông tại Hà Nội. 

 

 

Nhà văn Vũ Hùng đã thực sự là một người lính trong chiến tranh, ông đã trải qua trận mạc, trải qua sự sống và cái chết, mắt thấy tại nghe không ít chuyện đau thương mất mát của con người trong chiến tranh tàn khốc.

Thế nhưng ông không tả trận mạc “Ùng! Oàng”. Ông đi sâu vào một khía cạnh bất ngờ với tất cả mọi người khi nghĩ về cuộc chiến đã qua. Ông đã dành hết tài năng tâm huyết cho việc miêu tả đời sống của người lính với những con vật hoang dã hiền lành mà mình đã gặp gỡ, quen biết và yêu thương trong suốt đời chinh chiến.

 

Đời bộ đội của ông chắc là có nhiều kỷ niệm về súng đạn… ấy thế mà ông chỉ viết về con Voi (trong Sống giữa bầy voiNgười quản tượng và con voi chiến sĩBầy voi đenCon voi xa đàn), con Cu li (trong Con Cu li của tôi, Cu li lùn), viết về hươu, nai muông thú hoang dã trong rừng gắn bó với đời sống hồn nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số trong “Mùa săn trên núi”, Sao Sao… rồi về  những con ong trong Giữ lấy bầu mật

 

Rất nhiều bài viết hay và công phu ca ngợi sự hiểu biết của nhà văn Vũ Hùng về đời sống các con vật hoang dã đã được thể hiện ở cuộc tọa đàm “Thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng” (NXB Kim Đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9/2015).

 

Tôi cho rằng nếu chỉ có sự hiểu biết về đời sống các con vật bằng sự từng trải và cả việc học hỏi nữa, cũng chưa đủ để viết nên những trang văn rất đẹp, từng lời văn êm nhẹ thấm sâu vào lòng người.

 

Vũ Hùng chắc phải có một tình cảm thật sâu nặng với sự tồn vong của đời sống muôn loài, với sự trăn trở về đời sống hoang dã trong rừng sâu núi thẳm lại thật sự gắn bó tác động tương hỗ với đời sống con người trong xã hội hiện đại sống giữa những tiện nghi. Bởi con người nếu chỉ ích kỷ vì mình vì sự tinh khôn của mình mà ra tay tàn sát loài vật làm mất đi sự cân bằng sinh thái trên trái đất thì chính con người sẽ gánh chịu quy luật nhân quả.

 

Nhà văn Vũ Hùng đã nhận ra ánh mắt “thản nhiên” của loài vật mà soi thấu vào tâm địa của con người, bởi “bọn thú rừng ấy chưa biết gì về con người…”. Sống giữa những con vật hoang dã trong một cuộc chiến tranh nên Vũ Hùng có được sự tỉnh thức mang tính nhân văn từ rất sớm, có lẽ từ khi ông bắt đầu cầm bút viết những trang sách đầu tiên cho trẻ nhỏ, ông tôn trọng loài vật, tôn trọng sự bình đẳng giữa con người và con vật, ông nâng niu những tình cảm hồn nhiên nhất mà chỉ có những người dân dã sống cùng với thiên nhiên hoang dại mới có thể giữ gìn nguyên vẹn trong tâm hồn.

 

Ông đã nhiều lần tâm sự rằng, những năm tháng sống với đồng bào người Lào, trên đất Lào đã khiến ông có được một tâm hồn an nhiên như vậy. “Rồi cứ đến mùa chiến dịch, đội quân báo lại đi về trên Trường Sơn, qua những rừng phẳng bát ngát của đất Lào tới những bản làng hiền hòa trên bờ sông Mekong. Mỗi chuyến đi lại làm cho tôi thêm yêu thiên nhiên, yêu con người. Từ đó, cũng như những ai đã tích lũy được một số vốn sống, tôi muốn viết…”

 

Nha van Vu Hung - tuoi tham tinh yeu tuoi tho va thien nhien hinh anh 3
Nhà văn Vũ Hùng.

 

Tôi thiết nghĩ phải chăng “anh bộ đội Vũ Hùng” vốn xuất thân là một chàng học sinh Hà Nội với một tâm hồn nhạy cảm vốn có, lại được sống những năm tháng tuổi trẻ trên đất Lào là đất Phật, người Lào đã sống với một tinh thần Phật giáo vun đắp trong tâm một ý thức giải thoát khỏi những mê lầm đầy đọa trong bể khổ của những hành động độc ác và vị kỷ. Tinh thần thuần khiết đó đã vun đắp cho tâm hồn nhà văn một tình yêu nhân bản thể hiện thành những trang văn tươi mát.

 

Riêng tôi khi đọc Vũ Hùng giữa một bầu không khí thế giới có tiếng “bom khủng bố” bất chợt nổ ở đây đó…, tôi lại càng thấy những trang văn của ông có sức mạnh lay động và thức tỉnh tâm hồn thơ trẻ của các em nhỏ. Đó là sức mạnh của lòng Thiện.

 

Những trang văn về tình yêu thiên nhiên và loài vật của Vũ Hùng sẽ đến với trẻ em, như một chất đề kháng của tâm hồn chống lại sự thâm nhập của sự vô cảm, tính ác đang hiện diện dữ dội. Tôi nghĩ rằng có lẽ chính vì nhà văn Vũ Hùng từng phải sống trong một đời sống khắc nghiệt, chứng kiến nhiều việc ác nên ông đã phải dùng ngòi bút trải lòng mình trên trang giấy, trước hết để gìn giữ một ước mơ sống tốt đẹp cho chính mình và rồi để truyền tình yêu thương của mình cho mọi người.

 

Quý hóa biết bao một anh bộ đội khi nhớ lại thời quân ngũ của mình, anh không hề kể lể những chiến công, anh chỉ nghĩ đến những ngôi làng rừng núi xa xôi có những người dân hiền hòa, những con vật hoang dã đáng yêu, với nhiều đức tính đáng quý, mà anh đã sống gắn bó như bạn bè tri âm tri kỷ giữa một thời khốc liệt.

 

Đọc những trang văn của Vũ Hùng, người đọc sẽ được thưởng thức một ký ức Việt Nam xanh thẳm trong miền rừng núi sơn cước, được thấy một Việt Nam đầy đủ hơn mà trước khi được biết Vũ Hùng, hình như ta còn nhìn quê hương tổ quốc có phần sơ sài, đơn giản và thiếu thốn…

 

Để phân tích nghệ thuật văn chương của nhà văn Vũ Hùng, chắc còn cần nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu, việc khắng định Giải Vàng sách Hay năm 2016 của Hội Xuất bản Việt Nam, chúng tôi chỉ xin góp phần tôn vinh tư thế nhà văn của ông.

 

Nhà văn Vũ Hùng sống giữa thời gian khó của lịch sử đất nước, ông đã biết tìm ra cho mình một hướng đi đúng đắn cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Từ những trang văn đầu tiên và chắc là đến những trang văn cuối cùng, ông trung thành với con đường đi của mình, con đường yêu thương tha thiết thiên nhiên và muôn loài, con đường đề cao phẩm chất THIỆN, cái Đẹp nội tâm của con người hồn nhiên gắn bó với loài vật nguyên sơ.

 

Văn của ông nhẹ nhàng như sợi tơ mà sức mạnh có thể như cơn gió lớn khiến cả rừng sâu núi thẳm rung vang lên tiếng. Cảm ơn Nhà xuất bản Kim Đồng đã đưa những cuốn sách của ông đến với bạn đọc hôm nay, sau gần 40 năm vắng bóng.

 

Theo Zing

 

Lượt xem: 214
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN