“Nồi đồng cối đá”

Tất nhiên người Việt nào bây giờ cũng hiểu câu thành ngữ cổ xưa này không nói về bất cứ chiếc nồi hay chiếc cối nào cả. Và cũng tất nhiên đám thanh niên dưới 30 tuổi ở thành phố bây giờ rất ít người còn được tận mắt nhìn thấy nồi đồng, cối đá.

Cối đá dùng để giã.

 

Nồi đồng là một phát minh lâu đời và quan trọng của người Việt sau hàng nghìn năm nấu nướng bằng các loại nồi đất. Nếu căn cứ vào trình độ đúc đồng hợp kim của người Việt có vào khoảng ba bốn trăm năm trước công nguyên thì có lẽ nồi đồng cũng ra đời lúc ấy.

 

Đoán được thế là bởi trình độ của các nghệ nhân Đông Sơn thời ấy đã làm nên những kiệt tác trống đồng còn lưu giữ lại khá nhiều trên đất nước chúng ta. Đó là một dòng trống đúc có một không hai trên thế giới chứng tỏ công nghệ và thẩm mĩ đã đến mức toàn bích.

 

So với trống đồng Đông Sơn, chiếc nồi đồng đơn giản hơn nhiều. Cổ vật khai quật được ở Việt Nam thời kỳ này cũng có khá nhiều nồi đồng theo phỏng đoán về công dụng. Nó không giống như khái niệm về cái nồi bây giờ lắm. Đại khái thường có thêm ba chân kiềng đúc liền. Lúc đun sẽ nhóm củi lửa trực tiếp dưới đáy nồi mà không cần đến một ông đầu rau nào cả. Kể cũng tiện cho việc đun nấu nhưng lại bất tiện cho việc củi lửa. Mỗi lần đun một nồi khác nhau lại phải nhóm cái bếp riêng cho nó.

 

Cối đá hình như cũng có niên đại vào thời đồ đá thì phải. Sau thời nguyên thuỷ con người dùng các vũm đá tự nhiên trên núi để nghiền hạt cây và thức ăn cứng thì việc phát minh ra cái cối đá có thể mang đi được cũng là dễ hiểu.

 

Chiếc cối đá đại tuyệt đối đắc dụng với cư dân trồng lúa nước. Ngày thường nó dùng làm cối giã gạo, giã ngô cho người ăn. Giã chuối, giã bèo n 7fdc ấu cám cho lợn. Ngày mùa lật ngược chiếc cối úp nghiêng đã thành ngay chiếc bàn đập lúa không gì chắc chắn và tiện lợi hơn.

 

Những chiếc cối đá nhỏ dùng vào việc chế biến thức ăn cho người. Giò chả, cua cáy, lạc vừng và hàng chục loại thức ăn giã nhỏ trước khi chế biến đều cần đến chiếc cối đá này. Chiếc cối đá ở những làng nghề làm giấy dó, giấy bản là công cụ không thể thiếu để giã vỏ cây dó làm bột giấy. Cối đá cả to lẫn nhỏ cũng là một vật dụng có giá trị ở nông thôn những vùng không có núi non.

 

Ngày cải cách ruộng đất hơn nửa thế kỉ trước vẫn là thứ được tịch thu ở nhà địa chủ để chia quả thực cho bần cố nông. Chiếc cối đá vẫn đang được sử dụng ở nhiều vùng nông thôn cho đến tận hôm nay.

 

Chiếc nồi đồng còn được sử dụng phổ thông ở khắp thành thị nông thôn Việt cho đến giữa thế kỷ trước. Có hai loại nồi đồng. Nồi đúc và nồi gò. Nồi đúc đáy loe miệng hóp rất dày và nặng trịch thường để nấu những thứ có số lượng nhiều như thổi cơm hoặc cất rượu.

 

Những làng Đại Bái - Bắc Ninh, Cầu Nôm - Hưng Yên và Ngũ Xã ở Hà Nội có nghề lâu đời đúc ra các loại nồi này. Những ngôi làng này thường cũng có thêm nghề gò đồng. Nồi đồng gò dung tích nhỏ hơn dùng vào tất cả những món nấu nướng khác. Tuỳ theo công dụng mà gò ra hình dáng đặc trưng. Chiếc nồi đồng không chỉ là dụng cụ nấu ăn mà còn như một niềm tự hào đẳng cấp của những gia đình khá giả.

 

So với chiếc nồi đất bì bẹt vỡ hàng ngày được nhà nghèo dùng lúc ấy rõ ràng nồi đồng là thứ tài sản giá trị hơn hẳn. Nó được tính vào của hồi môn khi các cô dâu về nhà chồng.

 

Thế nhưng sứ mệnh của chiếc nồi đồng hình như đã chấm dứt khoảng bốn chục năm nay rồi. Nếu chỉ để bền chắc theo đúng khái niệm lúc nó ra đời thì bây giờ có nhiều vật liệu còn bền chắc hơn thế. Nồi đồng có một nhược điểm hay bị gỉ. Gọi là xanh đồng. Khi nấu ăn bằng chiếc nồi có xanh đồng thường gây mùi khó chịu và hẳn là không tốt cho sức khoẻ. Người ta thay nó bằng nồi nhôm cũng từ nửa thế kỷ trước. Giờ thì cả nông thôn thành thị không ai còn dùng nồi đồng để nấu nướng nữa. Nồi đất còn được sử dụng nhiều hơn ở những món ăn đặc sản cơm tám, cá kho.

 

Thành phố bây giờ cũng không ai còn dùng chiếc cối đá nữa. Tất cả cối đá, lon sành được thay bằng cối xay chạy điện. Ban đầu nhiều người còn tinh ý phát hiện ra cua xay bằng cối điện, giò chả xay bằng cối điện có thể không ngon bằng cối đá giã tay. Lâu dần không còn những thứ giã tay để so sánh nữa. Kí ức về ẩm thực là thứ mơ hồ dễ rời bỏ con người nhất. Nhưng cũng không thể nhịn những món ăn truyền thống. Cối xay điện chính thức đi vào đời sống như một lẽ tất nhiên.

 

“Nồi đồng cối đá” bây giờ chỉ còn tồn tại trong câu thành ngữ cổ này mà thôi. Dù lớp người trẻ không còn trực tiếp nhìn thấy những vật dụng này nữa nhưng vẫn mặc nhiên dùng câu thành ngữ để nói về độ bền chắc của những thứ khác. Đã có những chú rể tuổi đôi mươi ngả nghiêng men rượu men tình hồn nhiên khoe cô dâu mới cưới của mình thuộc hạng “nồi đồng cối đá”.

 

Lũ bạn cũng hồn nhiên cười cợt nâng chén chúc mừng. Chẳng đúng mà cũng không sai. Nhưng không việc gì cả. Cùng lắm cô ấy chỉ nguýt dài một cái để chứng tỏ có nghe thấy câu chuyện. 10-2017

 

Theo Đỗ Phấn/Lao Động

Lượt xem: 262
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN