SÁCH HOT
Không có sản phẩm nào

Những câu chuyện thú vị về các công trình ở Hà Nội xưa

Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, như cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, Cột Cờ, chợ Đồng Xuân, nhưng đều được xây dựng từ thời Nguyễn.

có nhiều câu chuyện lý thú về các địa danh lịch sử, cũng như các công trình kiến trúc đặc sắc của Hà Nội đã được sử sách xưa ghi lại.

Cung điện bên sông Hồng nơi vua xem đua thuyền

Ngay thời vua Lý Thái Tổ, sau khi dời đô về Thăng Long, xây dựng cung điện, năm Thuận Thiên thứ hai (1011), nhà vua đã cho xây điện Hàm Quang bên bờ sông Hồng, và mùa thu các năm sau, vào tháng 7, nhà vua đều ra ngự ở điện này để xem đua thuyền.

Việc ra điện Hàm Quang xem đua thuyền vào tháng 7 còn được duy trì đến đời Lý Thái Tông. Sang thời Lý Nhân Tông, năm 1118, có ghi vua ngự điện Linh Quang để xem đua thuyền và đặt lễ yến tiệc mùa thu. Năm sau cũng tại điện này vua cũng xem đua thuyền và đặt tiệc mùa thu. Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng, từ đó hàng năm tháng 8 đua thuyền thì đặt yến tiệc làm lệ thường.

Về tòa điện Linh Quang này, đầu năm đó, tháng 2 đã bày nghi trượng và mở tiệc mùa xuân cho sứ giả Chân Lạp cùng xem.

Về các cây cầu ở kinh thành Thăng Long, ít thấy sử sách nói tới, vì thời xưa cả vua quan đến dân chúng đều đi đò, thuyền qua sông là chính. Chỉ thấy sử ghi sự kiện năm 1035, tháng 7, nhà vua sai làm cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch. Tháng 9 cầu bắc xong, vua ngự đến xem, sai các quan hầu làm thơ.

Hồ Tây, chiếc hồ lớn nhất nằm ở phía Bắc kinh đô, thì đến thời Lý Thái Tông, sử ghi rằng quanh hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay) vẫn còn là rừng rậm, có voi rừng. Tháng 11 năm 1045, vua Lý Thái Tông đã sai đặt cũi lớn để nhốt con voi nhà của Chiêm Thành vào làm mồi nhử voi rừng, vua thân đến bắt.

Đến đời Lý Thánh Tông, năm thứ hai, nhà vua cho làm hành cung ở hồ Dâm Đàm để xem đánh cá. Câu chuyện xem đánh cá trên hồ Dâm Đàm của vua Lý còn được tiếp diễn ở đến thời vua Lý Nhân Tông, với vụ án “thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ” nổi tiếng, mà sau đó vị thái sư bị đày đi an trí trên miệt Thao Giang.

Năm 1108, đời Lý Nhân Tông, trong sử sách lần đầu ghi chuyện đắp đê ở phường Cơ Xá. Từ đó về sau, sử sách cho biết các con đê sông Hồng tiếp tục được đắp thêm.

Chùa Một Cột ngày xưa

Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) được dựng tháng 10 năm 1049, theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông thấy phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm ở trên cột như đã thấy trong mộng, cho các nhà sư lượn xung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế chùa cũng được đặt tên là Diên Hựu (nghĩa là phúc lành dài lâu).

Năm 1105, đời Lý Nhân Tông, thì làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diện Hựu. Lúc đó, chùa Diên Hựu được chữa lại, đẹp hơn cũ, vét hồ Liên Hoa đài, gọi là hồ Linh Chiểu, ngoài hồ có hành lang chạm vẽ xung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp, hàng tháng cứ rằm, mồng một và ngày Phật Đản (8/4 âm lịch), vua đều ngự đến làm lễ để cầu sống lâu, hay tổ chức nghi thức tắm Phật.

Trước đó, vào năm 1080, vua Lý Nhân Tông đã cho làm quả chuông lớn cho chùa Diên Hựu, mà chuông đánh không kêu, nhưng các quan bàn là đã thành khí không nên tiêu hủy, mới đem ra để ở ruộng rùa (quy điền) của chùa. Ruộng ấy thấp ướt, nên nhiều rùa sinh sống, người thời bấy giờ gọi là chuông Quy Điền, là một trong "tứ đại khí" của nước ta thời xưa (gồm tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền). Chuông này, cũng như cả "tứ đại khí", khi quân Minh xâm lược nước ta đều đã bị chúng phá hủy.

Văn Miếu, công trình nổi tiếng của Hà Nội còn lại đến ngày nay, được vua Lý Thánh Tông lập dựng năm 1070, chủ yếu là nơi cúng tế, và cho Hoàng Thái tử học tập. Quốc tử giám được thành lập sau đó năm, vào năm 1076, làm nơi học tập của con cái các bậc vương tôn, đại thần.

Sang đến thời Trần, đời Trần Thái Tông, năm 1253 mới lập Quốc học viện, thành phần học sinh được mở rộng hơn, rồi tô tượng Khổng Tử, Chu Công và Mạnh Tử, vẽ tượng 72 người hiền để thờ. Vua Trần cân bằng văn có võ, năm đó Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường để thao diễn võ nghệ, có lẽ nằm ở khu vực đường Giảng Võ hiện nay.

Những dãy bia đá ghi tên các tiến sĩ thi đỗ trong các khoa thi tại Văn Miếu mới được dựng lên từ thời vua Lê Thánh Tông, năm 1484. Còn công trình Khuê Văn Các mới được xây dựng từ đầu triều Nguyễn, cùng thời với một biểu tượng của Hà Nội ngày nay, là Cột Cờ.

Kết quả hình ảnh cho khuê văn các

Khuê Văn Các, công trình tiêu biểu tượng trưng cho Hà Nội, được xây dựng năm 1805, dưới thời vua Gia Long. Ảnh: Lê Hiếu.

 

Cửu trùng đài hoành tráng, hoang phí

Thành Thăng Long xưa, ngoài lớp lớp cung điện của nhà vua, phủ đệ nguy nga của các đại thần, hoàng thất, cũng từng chứng kiến những công trình nguy nga, tráng lệ được xây cất theo ý muốn của các vị vua. Nhưng việc xây dựng những công trình xa xỉ này đều dẫn đến sự suy vong của các triều đại Trần, Lê.

Như đời Trần Dụ Tông, năm 1363, Toàn thư viết: "Nhà vua cho đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung, trong hồ xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi chảy thông nhau, trên bờ hồ trồng cây tùng, cây trúc và các thứ hoa cỏ lạ, lại nuôi chim quý thú lạ ở trong ấy. Phía Tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế…".

Bộ sử lớn nhất của nước ta cũng mô tả mức độ cầu kỳ của công trình: “Lại làm riêng hồ con, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cá mú nuôi ở đấy. Lại sai người ở châu Hóa (Thuận Hóa) chở cá sấu đến thả. Rồi làm hồ Thanh Ngư thả cá giếc, đặt đô lính trông coi”.

Vì vua Trần Dụ Tôn cuối đời ham mê uống rượu và cờ bạc, chơi bời quá độ, hoang phí xa xỉ, bỏ bê việc triều chính, nên cơ nghiệp nhà Trần từ đấy bắt đầu suy vi.

Cũng vì xây cất công trình nguy nga ở kinh đô mà dẫn đến kết cục bi thảm là vua Lê Uy Mục. Toàn thư cho biết, vua cho “đắp thành rộng to mấy nghìn trượng, bao vây cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía Đông đến phía Tây Bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống”.

Ngoài ra, nhà vua còn cho làm thuyền chiến, sai bọn nữ sử khỏa thân chèo ở hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm. Vua còn sai người thợ Vũ Như Tô làm điện to hơn trăm nóc, hết kiệt tiền của và sức dân trong nước. “Lại làm đài chín đợt (Cửu Trùng đài), trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang để đi chơi. Hồ ấy quanh co khuất khúc, rất là xa xỉ… Có nơi làm xong, vua lại đổi ý, bắt đắp lại, mấy năm chưa xong. Quân lính đắp thành bị bệnh dịch đến một phần mười”, sách viết.

Làm cho trong ngoài đều bất bình, vua Lê Uy Mục đã bị Trịnh Duy Sản giết chết, Vũ Như Tô cũng bị giết bỏ xác ngoài chợ, quan dân ai cũng chê cười. Tuy nhiên, cái chết của người thợ tài hoa này đã trở thành nguồn cảm hứng để sau này, tác giả Nguyễn Huy Tưởng viết lên vở kịch Vũ Như Tô nổi tiếng.

Lượt xem: 329
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN