Nét văn hóa thú chơi sách đầu xuân

Thú chơi sách ngày xuân lâu nay mai một bởi nhiều tác động xã hội và thường chỉ có ở một số “người xưa”, nhưng ở xuân Mậu Tuất 2018 này có chiều hướng khôi phục lại như một nét văn hóa mới lan truyền đến cả người trẻ…

 

Nhiều bạn trẻ tìm đến các hội chợ sách để mua sách giá rẻ. Ảnh: V.V

Nhiều bạn trẻ tìm đến các hội chợ sách để mua sách giá rẻ. Ảnh: V.V

 

Song song khai mạc cùng Đường hoa Nguyễn Huệ, TP.Hồ Chí Minh tối 28.12 âm lịch (13.2.2018), kéo dài đến hết ngày mùng 4 (19.2.2018), Lễ hội đường sách Tết Mậu Tuất với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Khát vọng vươn cao” với 12 đơn vị tham gia cùng 26.000 bản sách đã làm nên một không gian xuân tri thức rất đặc biệt ở TP.Hồ Chí Minh.

 

Sáng mùng 3 Tết Mậu Tuất (18.2.2018), tại Phố sách Hà Nội cũng diễn ra lễ khai mạc “Phố sách Xuân Mậu Tuất”. Đây là hoạt động khởi đầu của chuỗi các chương trình tại Phố sách Hà Nội trong năm mới 2018, góp phần đưa Phố sách trở thành điểm đến văn hóa ngày càng gần gũi với nhân dân thủ đô. Và có thể xem đây như là một nét văn hóa, một thú chơi sách đầu xuân. Chưa kể, sách trở nên món quà lì xì mừng tuổi cho trẻ năm mới, món quà quý tri thức cho người lớn đầu xuân.

 

Khi sách là quà lì xì năm mới

 

Có vẻ lạ khi nói đến chuyện lì xì tết bằng sách, nhưng ở Tết Mậu Tuất 2018 này trở nên một nét duyên xuân rất có ý nghĩa. Manh nha từ xuân năm Đinh Dậu 2017 và đây là năm thứ hai, ý tưởng lì xì bằng sách đã khởi sắc. Không hẹn mà gặp, dịp Tết Mậu Tuất, nhiều công ty sách và các NXB cùng đưa ra các chương trình lì xì sách trực tiếp hoặc làm cầu nối để bạn đọc lì xì sách cho bạn bè, người thân.

 

AnBooks, một công ty sách mới xuất hiện, mang đến tập thơ “Con nít con nôi” được gói trong một phong bao đỏ rực, bên ngoài in những câu thơ trong trẻo: “Lì xì cho con nít/ một tinh cầu thật xinh/ ai mà vô trong đó/ là đều thành lung linh”.

 

Saigon Books lại đóng vai trò “cầu nối” để bạn đọc có thể lì xì cho nhau trong dịp tết này bằng những combo sách được chọn lọc, khi mua sách còn được tặng kèm phong bao lì xì.

 

Thái Hà Books, xuất bản sách “Happy Book- Hạnh phúc dài lâu” nằm trong loạt sách “Mừng Tết” từ năm 2015.

 

Nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh trong tạp bút “Sách của con đâu?” đã viết: “Mừng tuổi đầu năm bằng sách, tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến đó, không phải vì tôi là người viết sách mà vì bản thân điều đó là một nét đẹp văn hóa cần được phổ biến. Sách cũng là sản phẩm “của đời in ra” nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm “bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt” như lúc nôn nóng mở “hồng bao”.

 

Cũng không biết khởi đầu từ đâu nhưng trước Tết vài tuần, trên mạng xã hội đã có những status thông tin về việc tặng sách làm quà lì xì năm mới. Và có lẽ lì xì sách đầu xuân đang là một nét văn hóa mới, chẳng thế mà Lễ hội đường sách Tết Mậu Tuất ở TP.Hồ Chí Minh rất đông khách vừa đi chơi Đường hoa Nguyễn Huệ là ghé vào mua sách như món quà may mắn đầu năm. Cũng như Phố sách Hà Nội, vừa khai mạc vào sáng mùng 3 tết đã rất đông khách tới như một địa điểm du xuân đầu năm mới.

 

Và sách cũ là thú thưởng ngoạn ngày xuân

 

Không chỉ là sách mới xuất bản thu hút rất nhiều bạn đọc, mà sách cũ cũng là một “nguồn” tạo thành dòng sách được quan tâm cả ở giới sưu tầm sách để “chơi”, và giới sinh viên học sinh để tìm những cuốn sách cần đọc. Khoảng mấy năm gần đây sách cũ đang trở lại mạnh mẽ với những hoạt động lớn như: Ngày sách và di sản, Ngày hội trao đổi sách cũ, Hội chợ sách cũ Hà Nội, Ngày hội sách cũ TP.Hồ Chí Minh, Ngày hội sách cũ, Chợ phiên sách cũ... Ngay tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh cũng có một gian hàng bán sách cũ rất nổi tiếng, còn sách cũ ở Hà Nội qua nhiều cuộc từ triển lãm sách đến Hội chợ sách… là một hấp dẫn giới thưởng ngoạn và “chơi” sách của hai thành phố lớn nhất nước này.

 

Sách cũ là cả một thế giới đa dạng, và có thể tìm thấy ở đây rất nhiều điều để hoài cổ, để tìm về tuổi thơ, để tìm hiểu một vấn đề cần nghiên cứu tra cứu, hay chỉ là để thưởng ngoạn như thú sưu tầm “đồ cổ”. Cho dù mục đích tìm sách cũ có khác nhau, thì việc đến với sách đã như một sự cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa xưa cũ, quý báu tri thức của một giai đoạn lịch sử đã qua. Và đi tìm được “vàng” giữa rừng sách này, cũng là một thú vui, phải khổ công “đãi” thì mới có thể tìm được. Những quyển sách cũ, nhàu nát tưởng như chỉ bằng tiền vài cân giấy vụn nhưng việc tìm kiếm và được sở hữu trở thành một niềm vui rất khó có gì so sánh theo kiểu vật chất tầm thường.

 

Ngày xuân, trong tiết trời se lạnh, lây phây mưa phùn, cầm một cuốn sách cũ, lật giở từng trang, đọc trong đó tri thức người xưa, ngẫm hiện tại, có thể nghiệm ra rất nhiều điều cho cuộc sống. Hay đơn giản hơn, ngắm một cuốn sách cũ, những hình vẽ, nét chữ trong đó như đang hiện lên cả một không gian xưa xa xôi lạ lẫm nhưng thật nhiều thú vị. Và với những người cầu kỳ hơn, thì sách cũ vừa là thú chơi, thưởng ngoạn, vừa còn là tìm hiểu những văn phong xưa, tư duy xưa, để đối chứng với hiện tại.

 

Thưởng ngoạn, “chơi sách” xưa trong ngày xuân cũng là một nét đẹp không nên để mai một mà như một thú vui xuân “ôn cố tri tân” thú vị.

 

Trong rất nhiều tục lệ và thú vui ngày xuân năm mới, tục lì xì mừng tuổi bằng sách cho trẻ cần được nhân rộng và phổ biến như nét văn hóa đẹp và hiện đại, không mất đi truyền thống hiếu học của ông bà xưa mà còn rất văn minh.

 

Fahasa đồng hành suốt 8 năm với Lễ hội Đường sách mùa xuân

 

Năm 2011, Lễ hội Đường sách TP.Hồ Chí Minh lần đầu được tổ chức trên trục đường Nguyễn Huệ với chủ đề “Đường sách ước mơ”. Cho đến nay, sau 7 lần tổ chức, Lễ hội Đường sách không chỉ là sự kiện văn hóa thường niên của thành phố mà còn là điểm đến quen thuộc du xuân của độc giả. Năm nay, Lễ hội diễn ra từ 13-19.2 với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Khát vọng vươn cao”. Đây cũng là lần thứ 8 Fahasa đồng hành cùng Lễ hội Đường sách, với 5.000 tựa sách tương ứng 50.000 bản sách được trưng bày tại trục đường Nguyễn Huệ. Tham dự Lễ hội năm nay có khoảng 11 đơn vị, nhà sách. MT

 

Theo Laodong.vn

Lượt xem: 260
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN