“Thiền sư giữa lưng chừng trời”

Mùa đông năm 2011, khi tổ chức số Xuân Miền Trung & Tây Nguyên của Báo Lao Động, tôi nhận được bản thảo bút ký “Thiền sư ở đâu” của tác giả Bùi Long - phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Huế. Ngẩn đi một lúc, tôi nhắn tin: “Cứ viết thế này, chẳng mấy chốc anh sẽ có một tập sách độc đáo về đề tài thiền môn”.

 

Và rồi sau đúng 7 năm, tập sách “Thiền sư ở đâu” ra đời, phần lớn là những bút ký đã đăng trên những ấn phẩm của Lao Động trong nhiều năm. Huế là chốn thiền môn. Và trước nay cũng đã có nhiều đầu sách của nhiều tác giả viết về thiền môn xứ Huế nhưng “Thiền sư ở đâu” của Bùi Long lại không giống với bất kỳ tác phẩm nào đã xuất bản, bởi lối viết có phần thật thà, tối giản kiểu ý tại ngôn ngoại, không làm văn, không màu mè, không lấy kiến thức và sự hiểu biết Phật pháp để “đè” bạn đọc...

 

 

 

Suy cho cùng, tận cùng của sự phức tạp, rối rắm là giản đơn! Như trong lời bạt cuốn “Thám tử kinh tế” của Tim Harford, TS Nguyễn Đức Thành viết “cần có những sứ giả truyền đạt những kiến thức hàn lâm khó hiểu cho công chúng”. Với “Thiền sư ở đâu”, Bùi Long đã làm tốt vai trò “sứ giả” để người đọc bình dân có thể phần nào hiểu, cảm được chốn thiền môn vốn giáo lý tầng tầng rối rắm theo nghĩa đơn giản nhất qua những câu chuyện của những người thầy, của bè bạn và của chính anh.

 

Thiền sư ở đâu? Bản thân câu hỏi vốn đã là câu trả lời, bởi thiền vô trú xứ. Bạn đọc có thể gặp thiền sư là một đại lão hòa thượng quanh năm lặp lại câu hỏi “Hồng bì! Hồng bì! Mi lại ra hoa đó à?”. Là một đại đức với ngôi chùa không tên bởi “tau là chùa, chùa là tau, ở mô chẳng được”. Là một du tăng không theo tăng đoàn giáo hội mà tự tu một mình với cảnh giới riêng, là một nụ cười hiền trên tận non cao đã “chèo vỡ sông trăng” cắm giữa 2 bờ sai đúng…

 

Thiền sư, theo quan niệm của Bùi Long không hẳn là những người ở chùa, cũng không hẳn người suốt ngày ngồi xếp bàn 2 mắt lim dim mà thiền sư là những cơ duyên, những gặp gỡ với những người đã mang lại cho anh cảm hứng, gợi mở, kiến giải, nguồn năng lượng tươi mới… để vững bước trên hành trình của mình. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi bạn đọc gặp ở đó cố nhà báo Thái Ngọc San, người thầy đã khai ngộ cho anh đạo tình mênh mông cùng triết lý sống và viết chỉ có một thứ mùi duy nhất là “mùi của trái tim yêu thương và lòng chính trực”. Hay một “thiền sư làm thợ mộc” bên bờ sông Hương với những ưu tư khi người Việt tự phá hủy phong thủy cùng giấc mơ sửa sai bắt đầu từ cái bàn thờ Phật trong mỗi gia đình…

 

Bản thân tác giả - Bùi Long, ở khía cạnh nào đó cũng đã tu thiền khi 11 tuổi, rời nhà “đi theo Ngài” lên chùa Từ Vân tu tập. Nhưng tác giả là một thiền sư “bị mắc cạn giữa lưng chừng trời” bởi “đi theo Ngài” đến 10 năm “nhưng vẫn không thể nào gạt bỏ được vô minh, vẫn mê gái đẹp, ham uống rượu và thích thơ phú”; vẫn nghe “tuổi hoa niên của chàng trai mới lớn trong tôi như chồi non rưng rức cựa mình. Ham muốn cứ âm thầm trỗi dậy trong hổ thẹn” để rồi “tôi trả lại áo cà sa, y bát cho thầy để trở về với cuộc đời” sống nghiệp làm báo, viết văn sau khi tốt nghiệp đại học.

 

Nhưng rồi ở đời lại luôn trong cảnh “nửa đêm nhớ chùa”. Vẫn nghe “thức giấc bàng hoàng nhớ đến tiếng kinh kệ từng thời công phu. Nhớ tiếng chuông mỗi sớm mai thức dậy”. Vẫn mê đắm bức tranh vẽ nhà sư ôm bình bát đứng ở lưng chừng núi. Và lâu lâu lại “vẽ chữ” trong cơn say rằng: “Lên chùa không thấy Phật/ Xuống núi chẳng thấy tình/ Hỏi sư sư không nói/ Hỏi Bụt, Bụt làm thinh…”

 

* Đọc sách “Thiền sư ở đâu” (Tác giả Bùi Long, NXB Thuận Hóa 2018)

 

Theo Lao Động

Lượt xem: 328
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN