'Đất người' đời và phim

Sau hơn 2 năm thực hiện, NXB Hội Nhà văn vừa cho ra mắt độc giả cuốn truyện ký “Đất người” của NSND Đào Trọng Khánh.

Theo đó, truyện ký “Đất người” là tập hợp các bài viết, các hình ảnh, tư liệu lịch sử được NSND Đào Trọng Khánh tìm tòi, thu thập trên hành trình đi quay phim của ông cách đây 50 năm. Trong đó, nhiều tư liệu đã được ông quay thành phim, những tư liệu còn lại được ông đúc kết và tập hợp thành cuốn sách này.

Cuốn sách dày gần 500 trang, bìa là tranh Tam Bạc của họa sĩ Lưu Công Nhân và phụ bản là những minh họa của các họa sĩ Trịnh Tú, Hoàng Phượng Vỹ, Nguyễn Thị Hiền, Đặng Tiến, Phạm Trần Quân được chia thành 2 phần.

Phần 1, tập hợp các bài viết bằng góc nhìn thấm đẫm “tinh thần nhăn văn cao cả” về cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… về giá của chiến thắng là cái chết trước giây phút hòa bình của những người dân vô tội và cả của những người lính ở hai bên chiến tuyến trưa ngày 30/4/1975 lịch sử. Thậm chí lùi xa hơn là những nhân vật lịch sử như Ngô Quyền, Lê Lợi…

Sang phần 2 là các bài viết về bạn bè – nghệ sĩ đồng nghiệp như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Tùng…

Điểm đặc biệt, trong cuốn sách có nhiều chi tiết, hình ảnh, câu nói, mẩu chuyện qua Đào Trọng Khánh dường như mới nảy lên. Như kể chuyện Lê Lợi trả gươm cho rùa thần, ông đã ví “như vũ khí chiến tranh giờ được ngủ yên dưới đáy hồ. Đây là bản tuyên ngôn hòa bình, là ước mong được sống trong hòa bình của Đại Việt”.

Hoặc viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông miêu tả hình ảnh bạt ngàn mộ trắng trong nghĩa trang dưới chân đồi A1, và một câu độc thoại của người cựu binh già Mùa Sống Lử, tay trỏ vào ngực và nói: “Đau lắm mày ơi, tao hỏi mày đất có tim không?... để rồi kết lại bằng câu chuyện sau ngày 7/5/1954, Bác Hồ tặng thưởng cho các chiến sĩ, Người gắn huy hiệu in hình Điện Biên Phủ lên trái tim người lính, nhắc nhớ Điện Biên Phủ luôn trong trái tim mọi người…”.

Đó là những câu chuyện, là cách liên hệ kể chuyện khiến ta ấn tượng. Không những vậy, với kỹ năng quay phim, NSND Đào Trọng Khánh bắt được đặc điểm nhân vật rất tinh, ai cũng có hình thù, thần thái không lẫn vào đâu được. Đơn cử như hình ảnh “Nguyên Hồng uống rượu say, đứng ngay râu nhìn dòng sông Tam Bạc”; “Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì”…

Điều đặc biệt, ông cũng viết nhiều về Hải Phòng-  nơi ông sinh ra và lớn lên, những Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc. Đi dọc đất nước, ở đâu ông cũng thấy những hòn đá vọng phu. “Đó là những người vợ lính, chồng đi mãi không về, ôm con lên núi ngóng trông, lâu ngày rồi cả mẹ lẫn con đều hóa đá. Trên thế giới, có lẽ chỉ có những dân tộc nào hiền lành, bị chiến tranh biến thành thảm họa, mới sinh ra những huyền thoại thủy chung đau lòng như vậy suốt mấy ngàn năm”…

'Đất người' đời và phim - 1Cuốn sách Đất người.

Chia sẻ về cuốn sách, họa sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ: Trong cuốn sách này, Đào Trọng Khánh không hề nhắc đến Bát Nhã, Kim Cương, nhưng tư tưởng nhà Phật mà ông yêu thích đã tan chảy trong ông. Cho nên Đào Trọng Khánh đã đi qua sự nhìn và thấy để đến nhìn và không nhìn. Chỉ khi nhìn và không thì trạng thái thi nhân mới xuất hiện để tưởng tượng, hồi tưởng, liên tưởng, để “bịa”, để vô lý, “vô nghĩa” lên ngôi… Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn. Gốc của ông là một thi nhân.

Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, viết về nhân vật lịch sử, văn nghệ sĩ rất khó, vì họ là những nhân vật đặc biệt. Bởi vậy, cách tiếp cận của Đào Trọng Khánh buộc phải theo một hướng khác. Chẳng hạn, ông viết về Lưu Quang Vũ, phải làm sao người đọc thấy Lưu Quang Vũ, nhưng sau đấy phải thấy Đào Trọng Khánh. Hình ảnh là câu chữ, là ngôn ngữ của điện ảnh, con mắt của người làm phim Đào Trọng Khánh luôn bắt được những hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng, hàm súc.

Ông biết dùng chi tiết đắt, hoặc thổi vào ý nghĩa mới bằng thủ pháp chỉ điện ảnh mới có, ấy là khuôn hình đặc tả. Toàn cảnh, trung cảnh, thậm chí cận cảnh là khách quan, nhưng đặc tả là chủ quan, là nhấn mạnh, là mở ngoặc kép. Nếu không có những cú ra bút đặc tả như vậy, nếu không có chủ quan thì làm gì có nghệ thuật?...

NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Đầu những năm 1960, trước khi đến với điện ảnh, ông từng là công nhân làm việc trong Cảng Hải Phòng. Năm 1965, Đào Trọng Khánh quyết định chọn lĩnh vực phim tài liệu cho sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Ông đã trực tiếp cầm máy quay ghi lại những thước phim lịch sử về Hải Phòng trong những ngày bị máy bay Mỹ bắn phá. Nhiều năm làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, ông đã đảm nhiệm qua hầu hết các vai trò như viết kịch bản, viết lời bình, làm đạo diễn cho hàng chục bộ phim tài liệu khác nhau.

Ông là một trong những đạo diễn, nhà sản xuất hàng đầu của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam. Với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam nói chung và lĩnh vực phim tài liệu nói riêng, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (2000) và trao tặng Giải thưởng Nhà nước (2007).

Lượt xem: 374
Nguồn:tusachtrithuc.org Sao chép liên kết
ĐĂNG KÝ BẢN TIN
Thích viết

Cái gì càng ngắm càng yêu

Cái gì lột tả bao điều yêu thương

Dắt xuân ngọn cỏ tứa sương

Mắt tròn lúng liếng rằng em thương chàng

Hương trời hương đất miên man

Càng yêu, càng ngắm, càng làm bừng hoa

Ở trên khuôn mặt em ta

Rộn xuân đôi má như là gấc nung

Biết em, em đã thẹn thùng

"Anh mà ngắm nữa!

Em ngừng: ... yêu anh!"

"Thôi thôi anh lỗi rành rành

Chỉ tại muốn biết yêu anh thế nào!"

Ánh mắt san sẻ khát khao

Và trao chia gửi. Thế nào là yêu!

CÂU CHUYỆN XUẤT BẢN

NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh chưa phù hợp độc giả Việt Nam.

Gửi các thắc mắc của bạn về xuất bản để được tư vấn miễn phí

Dấu * là phần không được để trống
ĐĂNG KÝ BẢN TIN